Toàn cảnh 75 ngày Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép

19:07, 16/07/2014
|

(VnMedia) - Suốt 75 ngày qua, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam gồm: Kiểm ngư và Cảnh sát biển đã kiên trì bám biển trong mọi hoàn cảnh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

>>
Toàn bộ chi tiết thông tin về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan

>>Tàu cá Trung Quốc bất ngờ rút khỏi giàn khoan

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Đây là vị trí nằm sâu trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

2 ngày sau sự việc trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Việt Nam khẳng định, có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Tuy nhiên, như có sự chuẩn bị trước, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, Trung Quốc còn cho một số lượng gần 100 chiếc tàu cỡ lớn các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự và cả máy bay chiến đấu bảo vệ xung quanh vị trí đặt giàn khoan trái phép.

Quá trình bảo vệ giàn khoan trái phép, các tàu của Trung Quốc luôn sẵn sàng cản phá, chủ động đâm va ngăn cản hoạt động của các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Với tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát Biển Việt Nam, tàu Trung Quốc sử dụng chiến thuật phun vòi rồng gần như hàng ngày, đặc biệt phun vào những bộ phận trọng yếu để làm tê liệt tàu, thậm chí  phun vào buổi tối để tàu Việt Nam không thể tự vệ. Cùng với đó các xảo thuật cũng được sử dụng như: chèn ép tàu một cách ác ý, chạy cắt ngang rồi khựng lại để tạo cớ vu cáo tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc... Với tàu của ngư dân, Trung Quốc đã ném đá, đập phá, đánh đập ngư dân, thậm chí đâm cho chìm tàu.

 Ảnh minh họa

 Sau hơn hai tháng hạ đặt trái phép trên vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, 9h tối qua, Trung Quốc đã cho rút giàn khoan.

Ngày 27/5, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan trái phép Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, Trung Quốc cũng gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới gần 140 tàu.
 
5 ngày sau sự kiện trên, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu CSB 2016 của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với vết đâm chỉ thấp thêm chừng nửa mét là có thể khiến chiếc tàu của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam gặp nguy hiểm.
 
Hung hãn hơn, ngày 23/6, 7 tàu Trung Quốc đã vây quanh 1 tàu Kiểm ngư Việt Nam, cố ép sát cho tàu Việt Nam không chạy được để 2 tàu Trung Quốc khác chạy tới đâm va từ 2 phía.

Không chỉ ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ngay tại Vịnh Bắc bộ trong tháng 6 và đầu tháng 7, một số tàu cá của Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá.

Điển hình, 6h ngày 26/5, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm. Không dừng lại ở đó, các tàu của Trung Quốc còn ngăn cản các tàu của Việt Nam đến cứu hộ ngư dân bị đang chới với giữa dòng nước khi tàu chìm.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Suốt thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực và thiện chí giải quyết căng thẳng thông qua các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc đã không thể hiện thiện chí. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với Trung Quốc nhưng Trung Quốc từ chối.

75 ngày phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã phản đối và lên án, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống về nước nhưng bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế, phía Trung Quốc vẫn ngang ngược không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hỗ trợ về nước.

Đến ngày hôm qua (15/7), Trung Quốc bất ngờ điều toàn bộ 30 tàu cá ra khỏi khu vực giàn khoan, di chuyển về khu vực đảo Hải Nam. Sau đó trong đêm, 60 tàu cỡ lớn đã hộ tống việc di dời giàn khoan về đảo Hải Nam, rút khỏi vùng lãnh hải Việt Nam.

Điều đáng khen ngợi là, trong 75 ngày qua, bất chấp thời tiết nắng, mưa, biển nổi sóng to, các lực lượng thực thi pháp luật của ta gồm: lực lượng Cảnh sát Biển, Kiểm ngư Việt Nam và ngư dân ta vẫn kiên quyết bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hành động của những Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam thật đáng vinh danh.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc