Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội chỉ bằng 1,5 mức tăng cả nước

13:07, 08/07/2014
|

(VnMedia) - Mặc dù quý II tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,1% cao hơn quý I (6,6%) và cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, do quý I đạt thấp cho nên cộng dồn 6 tháng đầu năm GRDP của Hà Nội chỉ bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước.

Sáng 8/7, HĐND TP Hà Nội đã khai mạc kỳ họp thứ 10, khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016. Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 8,1% - cao hơn quý I (6,6%) và cùng kỳ năm 2013 (7,85%).

Tuy nhiên, do quý I đạt thấp cho nên cộng dồn 6 tháng đầu năm GRDP ước chỉ tăng 7,4% - thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (7,67%) và ước bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước. Các ngành đều duy trì tăng trưởng nhưng hầu hết thấp hơn mức cùng kỳ năm trước và thấp hơn kế hoạch.

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, ngành công nghiệp của Thủ đô cũng đang tăng trưởng chậm dần trong 5 năm vừa qua. Mặc dù, quý II tăng cao hơn quý I, nhưng tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 6,4 % thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 ước tăng 4,0-4,5%.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Hội đồng Nhân dân TP sáng nay, trong khi nhiều chỉ tiêu kinh tế không đạt thì một điểm sáng trong báo cáo kinh tế của Thủ đô 6 tháng đầu năm là thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2014 đã có dấu hiệu ấm dần lên.

Số lượng nhà, căn hộ tồn kho đã giảm 1.612 căn so với cuối năm 2013, số lượng giao dịch thành công tại các sàn giao dịch bất động sản tăng đáng kể, đã có hơn 1.600 giao dịch thành công, bằng 145% của cả năm 2013.


 Ảnh minh họa

 Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân Hà Nội, khóa XIV.


Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp những tháng đầu năm, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, đã ban hành và thực hiện kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và nâng cao lực cạnh tranh tranh.

Thành phố cũng đã chỉ đạo 7 tổ công tác khảo sát trực tiếp khoảng 70 doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức 4 hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp. Các đơn vị cũng tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn, thành phố đã tổ chức rà soát, phân loại dự án bất động sản (tiếp tục thực hiện, tạm dừng, điều chỉnh cơ cấu, loại hình). Đã có 57 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội.

Trong những tháng đầu năm, thành phố cũng đã triển khai thực hiện quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, dự kiến tổng hạn mức cam kết dự kiến đạt 1.794 tỷ đồng, hạn mức giải ngân đạt 1.011 tỷ đồng. Hiện nay, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng hộ nhỏ và thương mại sang nhà ở xã hội giảm 1% (còn ở mức 5%/năm).

Doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc đặt giàn khoan

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố ước đạt 560 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng vốn đầu tư thực hiện đạt 405 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2013.

"Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan tại Biển Đông đã ảnh hưởng đến tâm lý của một số doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, cơ bản không ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng. Tính đến hết tháng 5, có 6.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập (giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm 2013) với số vốn đăng ký là 33.259 tỷ đồng (giảm gần 19% so với cùng kỳ); có 5.372 doanh ngiệp ngừng hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó: có 251 doanh nghiệp giải thể (tăng 12%), 3.449 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 14,9%), 1.672 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (giảm 14,4%). Hiện có 848 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể.

Tại phiên khai mạc kỳ họp sáng nay, đại diện UBND TP Hà Nội cũng cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp do Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đã có nhiều người dân tụ tập, biểu tình tự phát thể hiện lòng yêu nước trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân không tham gia tuần hành, biểu tình trái pháp luật làm ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.

Thành phố cũng đã lập 6 tổ công tác trực tiếp xuống các khu công nghiệp để nắm tình hình, làm công tác tuyên truyền vận động. Các cơ quan chức năng đã phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương ngăn chặn kịp thời, không để số đối tượng chống đối lợi dụng việc người dân biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc để kích động gây rối, bạo loạn, gây mất trật tự trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của doanh nghiệp, cơ quan nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế. Vì vậy, không có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra trên địa bàn.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc