(VnMedia) - Trước những bất cập, tồn tại về nguy cơ mất an toàn giao thông của tuyến đường Quốc lộ 20 qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, Tông cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản nhắc nhở Chủ đầu tư khắc phục, chấn chỉnh nếu không sẽ tạm dừng việc thu phí.
>>Từ hôm nay, xe qua hầm Đèo Ngang sẽ không mất phí
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải kiểm tra Quốc lộ 20 từ Đồng Nai đến Lâm Đồng và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình giao thông vận tải trên địa bàn.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã xác định việc quản lý, bảo trì công trình BOT sửa chữa và nâng cấp một số đoạn đi qua thị trấn trên Quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng có nhiều tồn tại, dẫn đến mất an toàn giao thông. Đoàn công tác kết luận, trách nhiệm này thuộc về Nhà đầu tư BOT (Liên doanh Công ty TNHH 7/5 – Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH Hùng Phát và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đại Phát) và Doanh nghiệp BOT là Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 20.
Trước tình trạng trên, hôm qua (14/7), để chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại về công tác quản lý, bảo trì công trình BOT sửa chữa và nâng cấp một số đoạn đi qua thị trấn trên Quốc lộ 20 và các công trình BOT khác trên hệ thống quốc lộ, nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn gửi Nhà đầu tư Dự án BOT sửa chữa và nâng cấp một số đoạn đi qua thị trấn trên Quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng; Công ty cổ phần BOT QL20; Các Cục Quản lý đường bộ I, II, III và IV.
|
Tổng cục Đường bộ vừa nhắc nhở Chủ đầu tư quốc lộ 20 đảm bảo an toàn giao thông nếu không sẽ truất quyền thu phí. Ảnh: Internet |
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu: Đối với việc quản lý, bảo trì công trình BOT sửa chữa và nâng cấp một số đoạn đi qua thị trấn trên Quốc lộ 20, tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các cơ quan, tổ chức như sau:
Nhà đầu tư BOT và doanh nghiệp BOT khẩn trương thực hiện phát cây để đảm bảo tầm nhìn xe chạy và không che khuất biển báo và các công trình an toàn giao thông; Cắt xén cỏ cây trong phạm vi lề đường, rãnh thoát nước và hai bên ta luy đường; Nạo vét, khơi thông rãnh và hệ thống thoát nước; Đào bạt lề đường tại các vị trí cao hơn mép mặt đường và các vị trí đọng nước; Vệ sinh quét dọn mặt đường sạch sẽ; Dặm, vá, sửa chữa các hư hỏng trên mặt đường; Sơn lại biển báo hiệu, cọc tiêu, cột Km, vạch sơn trên mặt đường đã mờ; Thực hiện các công việc khác theo quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ và tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ. Các công việc nêu trên phải hoàn thành trước ngày 30/9/2014.
Trường hợp Nhà đầu tư và doanh nghiệp BOT không thực hiện hoặc không hoàn thành việc thực hiện trước thời hạn nêu trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ quyết định dừng thu phí theo quy định của Bộ Giao thông vận tải Quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ.
Ngoài ra, Chủ đầu tư còn phải tổ chức tuần đường, ghi chép nhật ký tuần đường theo quy định của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Phát hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời; các vi phạm hành lang an toàn đường bộ và vi phạm khác để xử lý, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Cục Quản lý đường bộ IV, chính quyền và các lực lượng chức năng để phối hợp xử lý.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ giao Cục Quản lý đường bộ IV kiểm tra, đôn đốc và giám sát Nhà đầu tư và Doanh nghiệp BOT thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn các quy định; định kỳ từ nay đến hết tháng 10, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện trên hiện trường về Tổng cục Đường bộ Việt và báo cáo đột xuất khi cần thiết.
Đối với các công trình, dự án BOT khác trên hệ thống đường quốc lộ, Tổng cục Đường bộ giao các Cục Quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các Nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp BOT có công trình BOT đã đưa vào khai thác và thu phí phải thực hiện đúng quy định về quản lý, bảo trì công trình đường bộ. Trường hợp mất an toàn giao thông, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, quyết định việc dừng thu phí theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Sông Đà phải dừng thu phí tại trạm qua hầm đường bộ Đèo Ngang bắt đầu từ 9 giờ ngày 10/7 do mặt đường trước cửa hầm đang bị hằn lún vệt bánh xe gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.
Việc này cũng được đưa ra sau chuyến thị sát tình hình thực tế của đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đi kiểm tra các công trình trên Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế và bắt gặp hiện tượng mặt đường trước cửa hầm đường bộ qua Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà là nhà đầu tư BOT bị hằn lún vệt bánh xe gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Cục Quản lý đường bộ II đã có văn bản nhắc nhở nhiều lần nhưng không được nhà đầu tư sửa chữa.
Ý kiến bạn đọc