(VnMedia) - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho biết, một số địa phương đã ban hành văn bản quản lý về hoạt động báo chí trên địa bàn có một số nội dung sai trái tương tự như Quyết định số 1726 của UBND tỉnh Thanh Hóa...
4 nội dung sai trái
Theo Cục trưởng Lê Hồng Sơn, qua trao đổi thống nhất tại cuộc họp với các cơ quan liên quan của UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét về tính hợp pháp của Quyết định số 1726, Cục Kiểm tra Văn bản đã khẳng định, theo quy định tại Luật báo chí (Điều 17a) và Nghị định số 51/2002/ND-CP quy định chi tiết thi hành Luật báo chí (Điều 10) thì việc quản lý nhà nước về báo chí của UBND cấp tỉnh rất hạn chế, phải theo sự phân cấp của Chính phủ và ủy quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Do đó, việc UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra một số nội dung quản lý, đặc biệt là quy định hoạt động, tạm ngừng, thay đổi, chấm dứt hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trong nước tại Quyết định 1726 là chưa phù hợp về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.” - ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Về nội dung, tại khoản 1, Điều 6 Quyết định số 1726 quy định: Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động sau khi có văn bản đồng ý của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thanh Hóa. Ông Sơn cho biết, qua trao đổi, thảo luận, Cục Kiểm tra Văn bản thấy rằng, theo quy định tại Nghị định số 51/2002/NĐ-CP và Thông tư số 13/2008/TT-BTTT ngày 31/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thi hành việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của cac cơ quan báo chí thì không quy định Phóng viên thường trú chỉ được phép hoạt động sau khi có văn bản đồng ý của Sở Thông tin và truyền thông mà pháp luật chỉ quy định điều kiện này đối với cơ quan đại diện. “Do đó, việc UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra quy định này là chưa phù hợp.” Cục trưởng Lê Hồng Sơn khẳng định.
Về quy định tại khoản 3, Điều 6 của Quyết định 1726, rằng, “cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú có thể bị yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động khi trưởng cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, qua nghiên cứu cho thấy, theo Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT, trong trường hợp bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đã bị thu hồi thẻ nhà báo. Mà khi bị thu hồi thẻ nhà báo thì đương nhiên phóng viên bị chấm dứt hoạt động. Do đó, việc UBND tỉnh Thanh Hóa quy định đối với hành vi này thì có thể bị yêu cầu chấm dứt hoạt động là chưa phù hợp.
Cũng tại khoản 3, Điều 6 của Quyết định 1726 quy định rằng, trong 1 năm, có từ 3 nội dung thông tin trở lên nêu sai sự thật, đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận. Qua rà soát đối chiếu với quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí và Thông tư số 13/2008/TT-BTTT ngày 31/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dân thi hành việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí thì thấy rằng, nội dung quy định trên của UBND tỉnh Thanh Hóa là không có cơ sở.
Ngoài bị cản trở bằng hành động, báo chí còn bị cản trở cả bằng các quy định trái luật - ảnh minh họa |
Nhiều địa phương ban hành văn bản giống Thanh Hóa
Cục trưởng Lê Hồng Sơn cho biết, tại cuộc họp với cơ quan liên quan của UBND tỉnh Thanh Hóa, đại diện Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã nhất trí với nhận định, đánh giá của Cục Kiểm tra văn bản, đồng thời thống nhất 2 đơn vị là Sở Tư pháp và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có báo cáo UBND tỉnh theo hướng: kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp tại Quyết định 1726 hoặc có thể bãi bỏ Điều 6 Quyết định số 1726.
Ông Sơn cho biết, qua vụ việc, Cục Kiểm ra văn bản của Bộ Tư Pháp yêu cầu rút kinh nghiệm về cơ chế phối hợp giữa các Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND tỉnh trong việc tham mưu, xây dựng văn bản. “Cục Kiểm ta Văn bản sẽ có báo cáo Bộ trưởng về kết quả cuộc họp này, đổng thời sẽ tiếp tục theo dõi việc tiếp thu, xử lý Quyết định 1726 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trường hợp UBND tỉnh Thanh Hóa không tự xử lý hoặc xử lý không đúng quy định một số nội dung sai trái Quyết định 1726 thì Cục Kiểm tra văn bản sẽ có thông báo kiểm tra văn bản.” - Cục trưởng Lê Hồng Sơn cho biết thêm.
Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, qua theo dõi, nắm tình hình cho thấy, hiện nay có một số địa phương ban hành văn bản quản lý về hoạt động báo chí trên địa bàn có một số nội dung sai trái tương tự như Quyết định số 1726 của UBND tỉnh Thanh Hóa, do đó, Cục Kiểm tra văn bản sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra văn bản chuyên đề này.
Ý kiến bạn đọc