(VnMedia) - Trao đổi với VnMedia chiều 7/7, ông Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc sáng nay làm 16 người chết là do trục trặc kỹ thuật.
>>Có thương vong vụ máy bay rơi ở Hà Nội
>> Hiện trường vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc
Trao đổi với VnMedia, ông Tuấn cho biết, ngoài 16 chiến sỹ hy sinh, vụ tai nạn còn làm 5 chiến sỹ khác bị thương, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện. “Nguyên nhân ban đầu được xác định là do máy bay bị trục trặc kỹ thuật”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hiện công tác khắc phục hậu quả đang được giải quyết. Các chiến sỹ bị thương đã được đưa đi cấp cứu, các chiến sỹ hy sinh cũng đã đưa đưa về.
"Tuy rơi gần khu vực dân cư nhưng khi xảy ra sự cố, tổ lái đã cố điều khiển máy bay tránh nhà dân cho nên nhà dân không bị thiệt hại", ông Tuấn cho biết.
Vụ rơi máy bay quân sự sáng nay đã khiến 16 chiến sỹ hy sinh và 5 chiến sỹ khác bị thương. Ảnh: Quang Dũng |
Trong một diễn biến liên quan, chiều nay, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, lúc 7h53 sáng nay (7/7), trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916/sư đoàn Không quân 371 đã bị cháy động cơ, rơi tại thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, khi xảy ra sự việc, tổng số người trên máy bay là 21 đồng chí, gồm: 3 người tổ lái, 2 giáo viên dù và 16 học viên. "Sau khi bị rơi, máy bay đã cháy dữ dội và được lực lượng cứu hỏa dập tắt lúc 8h20 cùng ngày. Hậu quả của vụ tai nạn làm 16 chiến sỹ hy sinh, 5 chiến sỹ khác bị thương", thông cáo báo chí nếu rõ.
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các nạn nhân bị thương đang được đưa về viện Quân y 105 để cấp cứu và giải quyết hậu quả.
Vẫn theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Tổng tham mưu đã cử đồng chí Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng cùng đồng chí Tư lệnh,Chính ủy quân chủng Phòng không không quân; 1 tổ công tác của Cục Cứu hộ Cứu nạn và một số cơ quan có liên quan đến hiện trường trực tiếp chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Tham gia cứu nạn tại hiện trường có lực lượng, phương tiện của Tiểu đoàn Công binh 93, Bộ tư lệnh Công binh; Lực lượng chữa cháy của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Phòng không - Không quân; Viện Quân y 105. Hiện các lực lượng đang tập trung khắc phục hậu quả của vụ tai nạn.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng nhận định, trước tai nạn thương tâm người dân tại hiện trường cho biết: khi người dân nhìn thấy máy bay cháy trên không ở ngay trong khu dân cư đông người nhưng phi công đã cố điều khiển máy bay ra khu đất trống để máy bay không rơi vào khu nhà dân. Người dân đã đánh giá rất cao tinh thần dũng cảm, sự hy sinh anh dũng của người lính phi công trong khi đối mặt với cái chết vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay tránh được thương vong lớn cho người dân.
Đúng 4 năm trước (7/7/2010), khoảng 20h30, chiếc Mig21 - loại máy bay tiêm kích phản lực một chỗ ngồi của một sư đoàn Không quân đã rơi xuống xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Mi-171 là loại trực thăng do Nga nghiên cứu, chế tạo trên cơ sở máy bay Mi-17 từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Đây là loại máy bay có sức bền tốt, giá thành rẻ và đang được Nga đẩy mạnh xuất khẩu.
Mi-171 có trọng lượng 12 tấn, có khả năng chuyên chở 40 người; năng lực vận tải khoảng 4 tấn, vận tốc 250 km/h, hành trình 590 km.
Mi-171 đang hoạt động trong biên chế Không quân Việt Nam với vai trò tìm kiếm cứu nạn, góp phần quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm cho các vùng bị thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngư dân hoạt động trên biển.
Ý kiến bạn đọc