Hoang đường sản phẩm khoa học 4 năm đắp chiếu vì… "vô" giá

08:10, 16/07/2014
|

(VnMedia) - Một chuyện có thật mà như hoang đường đã xảy ra trong lĩnh vực đầu tư khoa học công nghệ của Hà Nội. Đó là câu chuyện thiết bị nạo vét bùn cho các sông nước, mặc dù đã được nghiệm thu từ cách đây 4 năm nhưng vẫn… đắp chiếu chỉ vì chưa tính được giá thành…

>>Hơn 500 tỷ đầu tư vào khoa học công nghệ: hiệu quả... chung chung

Công trình tiên tiến, tiết kiệm

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của thành phố Hà Nội” do Viện nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công thương là đơn vị thực hiện theo phương thức tuyển chọn. Tháng 9/2010, kết quả sản phẩm của đề tài là tàu nạo vét bùn đã được bàn giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đề tài đã thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo, tích hợp các hệ thống thiết bị chế tạo trong nước với bơm hút bùn nhập khẩu từ Châu Âu tạo thành một Tàu hút bùn công nghệ cao, chuyên dụng cho sông, hồ đô thị. Tàu có thể hút được gần như nguyên vẹn lớp bùn ở đáy sông, hồ. Hút và vận chuyển bùn của tàu được thực hiện từ đáy sông lên xe téc chở bùn trên bờ theo hệ thống đường ống kín không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Điều đặc biệt, theo Sở Khoa học và Công nghệ, đó là tàu hút bùn này có năng suất cao hơn các phương pháp hiện đang áp dụng trong khi giá thành chế tạo tàu chỉ bằng 1/3 giá thành nhập khẩu.

Sau khi nghiên cứu thành công, tàu đã được Viện nghiên cứu cơ khí phối hợp với Công ty thoát nước Hà Nội tiến hành khảo nghiệm hút bùn thực tế gần 2 tháng tại sông Tô Lịch và đã được Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế, cấp phép lưu hành. Các chỉ tiêu, chất lượng của tàu được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng giám định gồm năng suất đạt hơn 28m3/giờ, nồng độ % bùn theo thể tích đạt hơn 88%, được đánh giá là rất phù hợp với bùn sông, hồ đô thị.

Tháng 9/2010, kết quả sản phẩm của đề tài là tàu nạo vét bùn đã được bàn giao cho Công ty TNHHNN MTV Thoát nước Hà Nội. Tại biên bản bàn giao sản phẩm tàu hút bùn, Sở Xây dựng cũng đã ghi rõ Công ty TNHHNNMTV Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết bị này.

Để tạo điều kiện cho Công ty chủ động vận hành và đưa thiết bị tàu nạo vét bùn vào khai thác,Thành phố đã đồng ý cho Viện nghiên cứu cơ khí thực hiện đề tài: Nghiên cứu phương án vận hành và đưa vào sử dụng tàu hút bùn khí nén cho các sông thoát nước của thành phố Hà Nội. Kết quả đã xây dựng quy trình công nghệ tàu hút bùn khí nén phối hợp xe téc chở bùn và bàn giao cho Công ty TNHH-MTV Thoát nước Hà Nội sản phẩm ngày 16/9/2010.

Ảnh minh họa

Trong khi tàu hút bùn có chi phí hơn 3 tỷ đồng đang đắp chiếu thì có thể hàng ngày, rất nhiều công nhân vẫn đang vất vả nạo vét bùn bằng... tay.

Gần 4 năm đắp chiếu vì không định giá

Tuy nhiên, sau khi tiến hành bàn giao, tàu nạo vét bùn vẫn tiếp tục chưa đưa vào hoạt động. Gần 2 năm sau, ngày 7/05/2012, Đoàn giám sát của Ban kinh tế Ngân sách-HĐND Thành phố đã tiến hành kiểm tra tại thực địa và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ về hiệu quả đầu tư của sản phẩm tàu nạo vét bùn. Ngày 26/8/2012, Sở Khoa học và Công nghệ nhận được Công văn số 6195/VX-UBND của UBND thành phố chỉ đạo về việc thực hiện kiến nghị tại báo cáo giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách, trong đó có nội dung về tàu hút bùn. Tại kỳ họp thứ 6-HĐND Thành phố năm 2012, giải trình của Sở Khoa học và công nghệ về kết quả chuyển giao và sử dụng Tầu hút bùn cho biết, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chưa đưa tàu vào hoạt động là do chưa xây dựng định mức, đơn giá cho sản phẩm.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội giải thích thì từ trước đến nay, các sản phẩm khoa học công nghệ từ Trung ương đến địa phương sau khi nghiên cứu thành công đều được các đơn vị tiếp nhận ứng dụng. Đến nay văn bản của Trung ương mới chỉ hướng dẫn phần định giá những trang thiết bị và máy móc hoàn chỉnh được mua trên thị trường phục vụ cho công tác nghiên cứu của các đề tài, dự án. Sản phẩm thiết bị nạo vét bùn là sản phẩm đồng bộ của đề tài được nghiên cứu, chế tạo ra thì chưa có hướng dẫn định giá.

Và lại thêm gần 2 năm nữa, ngày 23/05/2014, ông Lê Hồng Sơn - Phó chủ tịch UBND Thành phố mới chủ trì cuộc họp liên ngành chỉ đạo rà soát và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị triển khai ứng dụng tàu vào khai thác, sử dụng và đến ngày 30/5/2014, UBND thành phố có Quyết thành lập Hội đồng định giá tàu nạo vét bùn.

Theo tin mới nhất từ Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng này đã tổ chức họp được 2 buổi, hiện đang xây dựng phương pháp để xác định giá và dự kiến trong tháng 7 này sẽ hoàn thành việc định giá.

Cũng liên quan đến việc này, Sở Xây dựng lại vừa có Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành xây dựng định mức dự toán tàu hút bùn khí nén. Ngày 28/6/2014, tàu đã được đưa vào hoạt động. Để có cơ sở xác định định mức phải đưa tàu vào chạy ổn định trong thời gian khoảng 1 tháng. Dự kiến đến cuối tháng 7/2014 sẽ hoàn thành việc xác định định mức làm cơ sở đưa tàu vào khai thác, sử dụng.

Như vậy, có thể nói việc định giá không phải là việc quá khó khăn bởi chỉ sau khi Thành phố "ra tay" thì 2 tháng sau, việc định giá đã có thể hoàn thành. Thế nhưng, những người có trách nhiệm đã để cho công trình này khoa học này "đắp chiếu" suốt 4 năm qua, trong khi vẫn phải bỏ kinh phí ra để bảo trì, bảo dưỡng.

Được biết, đề tài tàu hút bùn này đã tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng, trong đó 2,77 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp khoa học và 300 triệu đồng từ nguồn vốn khác.

Những năm qua, việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đã được các chuyên gia và giới truyền thông mổ xẻ với nhiều bức xúc. Việc nghiên cứu, ứng dụng thành công đề tài khoa học công nghệ vốn được cho là "của hiếm". Câu chuyện một sản phẩm khoa học mặc dù đã được nghiên cứu thành công, có tính ứng dựng thực tế cao nhưng sau gần 4 năm vẫn "đắp chiếu" chỉ vì chưa định được giá thành sản phẩm và chưa xây dựng được định mức vận hành đã một lần nữa minh chứng về tính trì trệ và thiếu trách nhiệm đối với việc sử dụng tiền thuế của người dân trong lĩnh vực khoa học công nghệ.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc