Hà Nội: Nhà vệ sinh tiền tỉ khóa chặt, dân phóng uế tại con đường kỷ lục

08:21, 07/07/2014
|

(VnMedia) - Con đường gốm sứ, một công trình nghệ thuật đoạt kỷ lục Guinness thế giới về công trình gốm sứ dài nhất toàn cầu, nhưng giờ đây trở thành nơi… tè bậy của nhiều người. Trong khi đó, nhà vệ sinh công cộng tiền tỉ cạnh đó lại khóa im ỉm…


Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Bên cạnh những bức tranh gốm sứ nghệ thuật cũng là nơi nhiều người xả "nối buồn khó nói"


Thời gian gần đây, bất cứ ai đi qua con đường gốm sứ của Hà Nội cũng cảm thấy ngậm ngùi trước sự xuống cấp của công trình nghệ thuật này. Được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, con đường nghệ thuật này từng là niềm tự hào của người Hà Nội. Không ít bạn trẻ và khách từ nơi xa đã về đây chiêm ngưỡng và chọn làm nơi chụp những bức ảnh kỷ niệm.

Thế nhưng, sau 3 năm khánh thành, giờ đây có thể dễ dàng bắt gặp những mảng gạch bị bong tróc, nứt vỡ toang hoác. Ngoài ra, trên suốt đoạn đường, chỗ thì người bán hàng tập kết những chiếc bao tải, gồng gánh; Nhiều nhất là những đống rác, to có, nhỏ có, rồi những thứ thập cẩm mà người ta không biết vứt đi đâu thì nay được chất đống, đè lên công trình nghệ thuật khiến các công nhân vệ sinh môi trường phải nỗ lực hết sức mới dọn dẹp hết được.

Phản cảm nhất phải nhắc đến là những mảng họa tiết vốn trước đây rất ấn tượng, nay trở nên xỉn màu, xám ngoét, bốc mùi hôi hám khai nồng bởi một số người dùng làm nơi… đi vệ sinh.

Chị Hiền, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi, khi đi ô tô qua đoạn đường này đã kinh ngạc bắt gặp một nam thanh niên đang “giải quyết nỗi buồn” lên công trình văn hóa. “Từ khi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã mong ước được ra thăm Thủ đô và đi dạo trên con đường nghệ thuật này. Tôi nghĩ, nó không chỉ là niềm tự hào của người Hà Nội mà còn là niềm tự hào của người Việt ai cũng phải nâng niu vì dễ gì mà một thành phố có được một công trình nghệ thuật độc đáo đến như vậy? Thế nhưng, thật đáng tiếc khi một lần xe chúng tôi định dừng lại để chụp ảnh thì đúng lúc có 2 người đàn ông vượt từ bên kia đường sang và thản nhiên đứng… tè bậy khiến chúng tôi phải vội vã bỏ đi.” – chị Hiền bức xúc kể lại.

Trong khi đó, ông Vĩnh, một người dân ở phường Đồng Xuân cho biết, hồi mới khánh thành con đường gốm sứ, sáng nào ông cũng đi tập thể dục trên con đường này. Vừa đi, ông còn vừa tranh thủ ngắm nghía, thưởng thức những công trình nghệ thuật và cảm thấy rất thư giãn. Mỗi khi gia đình có khách phương xa đến chơi, ông đều dẫn ra tham quan con đường và cảm thấy rất tự hào. Thế nhưng càng về sau, ông càng không còn muốn đi dạo ở đây nữa vì trước hết, nó rất hôi hám, luôn bốc mùi xú uế. “Không chỉ có thanh niên, đàn ông đâu, kể cả các bà bán hàng rong, “buồn” quá cũng úp nón che rồi ngồi đi bậy ra đấy.” – ông Vĩnh kể.

Việc ứng xử thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm của một số người đối với con đường nghệ thuật là một thực tế đáng phê phán. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cũng giống như tình trạng chung của Hà Nội, do trên con đường này quá thiếu nhà vệ sinh, nhất là ở những đoạn tập trung đông người làm ăn, buôn bán nên mới xảy ra tình trạng như vậy.

Một người làm nghề xe ôm trước cổng chợ đầu mối Long Biên cho biết, ở quanh khu vực này hầu như không có nhà vệ sinh công cộng cho dân lao động. Chỉ duy nhất phía chỗ bến xe buýt có một cái thì lại thu tiền với giá 3.000đ/lần nên mọi người cũng không muốn vào. “Chị bảo, nếu không úp mặt đi vào cái tường này thì đi ở đâu? Chúng tôi toàn đi ở đây thôi.” – anh xe ôm thản nhiên nói.

Trong khi đó, một nữ nhân viên vệ sinh môi trường thuộc Xí nghiệp 2 (quận Hoàn Kiếm) cũng cho biết, cả một tuyến đường dài không có nhà vệ sinh nên chính các chị cũng phải… đi vệ sinh ngay trên vỉa hè. “Chúng em cũng phải lấy cái xe rác che rồi đi ra đấy, chứ biết đi vào đâu? Chả nhẽ đi bộ mấy cây số tìm chỗ đi vệ sinh à. Ngay cả khi “đến tháng” cần thay rửa, bọn em cũng phải lấy cái xe chắn rồi quây lại để thay.” – chị nhân viên giấu tên thật thà chia sẻ nỗi khổ thiếu nhà vệ sinh.

Điều đáng nói là theo quan sát của phóng viên, trên con đường này, tại khu vực tập kết xe buýt có một nhà vệ sinh công cộng bằng thép (thuộc loại có giá thành lên tới cả tỉ đồng) được dựng ngay trên vỉahè và quay ra đường, nhưng cửa khóa im ỉm. Trong khi đó, ngay bên cạnh, một nhân viên xe buýt thản nhiên quay mặt vào xe để… đi tiểu.

Cụ ông Dương Văn Hà, nhà ở số 123 đường Hồng Hà cùng vợ đi bộ trên con đường gốm sứ cho biết, cụ rất thích đi bộ trên con đường này, tuy nhiên khó chịu nhất là cảnh đái bậy và mùi xú uế. “Ở đây toàn dân lao động ngoại tỉnh về, đi vệ sinh mà mất tiền thì người ta không muốn. Thành phố bỏ tiền xây nhà vệ sinh tiền tỉ nhưng muốn thu mấy đồng lẻ nên giờ bỏ không, khóa cửa. Tôi đề nghị Thành phố phải cử người tuần tra, nhắc nhở, thậm chí cần thì xử phạt. Nhưng quan trọng nhất là phải có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng miễn phí, có người dọn dẹp sạch sẽ.” – cụ Hà đề nghị.

Cũng liên quan đến con đường gốm sứ này, mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm cùng Ban Chỉnh trang Đô thị - Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch, UBND quận Ba Đình, Công ty TNHH Tân Nghệ thuật đã có chuyến khảo sát hiện trạng công trình. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã xác định, con đường gốm sứ ven sông Hồng có một số điểm bị bong vỡ gạch, nứt ngang do bị biến đổi nhiệt độ co giãn giữa bê tông và tường gạch xây, với tổng diện tích bị bong gạch khoảng 30m2, nứt ngang 38m dài.

Trước tình trạng trên, hôm 4/7, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có ý kiến, giao Sở Xây dựng kiểm tra tổng thể đầu tư tu bổ tôn tạo nâng cấp đảm bảo mỹ quan cho công trình.

Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên ghi lại chiều 5/7:

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

 Những tấm tôn không biết là của ai dựng ngổn ngang, đè lên công trình nghệ thuật

 

 Ảnh minh họa

 Vỉa hè bị đào xới nham nhở

 Ảnh minh họa

 Khói than tổ ong làm đen sì cả một mảng tường

 Ảnh minh họa

 Rác rưởi, nước tiểu bốc mùi xú uế

 Ảnh minh họa

 Những xe hàng để ngổn ngang trên vỉa hè, che lấp công trình nghệ thuật

 Ảnh minh họa

 Một bảng bức tranh gốm sứ bị nứt vỡ xộc xệch

 Ảnh minh họa

 Trong khi nhà vệ sinh công cộng tiền tỉ khóa cửa im ỉm thì một nhân viên xe buýt đang "xả" xuống đường

 Ảnh minh họa

Hai vợ chồng cụ Dương Văn Hà, ở số 123 đường Hoàng Hà vừa đi bộ, vừa phải nín thở vì mùi khai


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc