(VnMedia) - Hai dự án trọng điểm của Hà Nội là dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án “Đường 5 kéo dài” đều có tiến độ bị đánh giá là rất chậm, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là từ Chủ đầu tư, nhà thầu...
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND Thành phố giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài đoạn tuyến 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao khoảng 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4,0km. Gồm 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Lộ trình đoạn tuyến bắt đầu từ Nhổn - quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.176 triệu Euro (tương đương 32.910 tỉ đồng), trong đó vốn ODA là 899,68 triệu Euro (tương đương 25.183,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng trong nước là 276,02 triệu Euro (tương đương 7.726,3 tỷ đồng).
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, có 6 nguyên nhân khiến tiến độ của Dự án tuyến đường sắt số 3 bị chậm tiến độ
Thứ nhất, dự án cùng một lúc sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ nên các thủ tục hồ sơ sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, kết quả sơ tuyển, kết quả đấu thầu, kết quả thương thảo hợp đồng đều phải xin ý kiến không phản đối của cả 04 nhà tài trợ, nên thời gian thống nhất ý kiến 04 nhà tài trợ thường bị kéo dài. Đồng thời, việc thanh toán từ nguồn vốn của các nhà tài trợ gặp rất nhiều vướng mắc cần phải có cơ chế chính sách đặc thù từ nhà tài trợ và phương thức chuyển vốn trong nước. (Nguồn vốn ODA từ bốn nhà tài trợ gồm nguồn vốn của chính phủ Pháp; Vay của Cơ quan Phát triển Pháp; Vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB và vốn vay Ngân hàng đầu tư Châu Âu - EIB. Thời gian thực hiện là từ 2009 – 2018.
Đây là dự án có qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên xây dựng ở Hà Nội và Việt Nam trong khi các tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật hầu hết đều chưa có. Dự án lại do Tư vấn nước ngoài thiết kế và giám sát, thẩm tra. Ngoài ra, phải lập các khung tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án, trình Bộ GTVT thỏa thuận, UBND Thành phố phê duyệt mới đủ điều kiện áp dụng do ở Việt nam chưa có các tiêu chuẩn riêng về đường sắt đô thị.
Thành phố cũng thừa nhận, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ hoàn toàn mới đối với Việt Nam, áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, do vậy mà cả phía Nhà thầu (nhất là Việt Nam) và Chủ đầu tư đều chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng tuân theo các quy định của hợp đồng quốc tế.
Đặc biệt, Thành phố đánh giá, công tác chỉ đạo của Chủ đầu tư chưa quyết liệt, chưa bám sát để tháo gỡ và giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc về kỹ thuật giữa các nhà thầu trong nước với tư vấn giám sát do nước ngoài quản lý. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thi công của Chủ đầu tư còn nhiều lúng túng.
Trong khi đó, nhân sự quản lý, chuyên gia kỹ thuật cho đường sắt đô thị hiện còn thiếu và yếu. Sự phối hợp giải quyết của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nhiều lúc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, tiến độ công việc chậm nhiều so với tiến độ yêu cầu.
Ngoài ra, sự phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng chưa đạt yêu cầu theo tiến độ của dự án, đặc biệt khu vực depot và đường dẫn làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một trong 2 dự án lớn của Hà Nội bị chậm tiến độ |
Đối với dự án đường 5 kéo dài (Cầu Chui – Đông Trù – Phương Trạch – Bắc Thăng Long), Thành phố giao cho Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm Chủ đầu tư. Đây là tuyến đường đô thị chính cấp I, với quy mô tổng chiều dài 13,32km, mặt cắt ngang nền đường 68,5m, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh (hầm đi bộ, tuy nen ngang, hào kỹ thuật, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước bẩn), đặc biệt trên tuyến có xây dựng cầu Đông Trù (dài 1.139m, rộng 55m) nhịp chính 80m – 120m – 80m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông.
Theo UBND Thành phố, dự án có khối lượng GPMB rất lớn, với việc phải thu hồi khoảng 142,2ha đất; khoảng 4.600 hộ sử dụng đất nông nghiệp; hơn 700 hộ sử dụng đất ở; di chuyển trên 1000 ngôi mộ, 45 cơ quan, và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: tuyến điện 110KV, 35KV, 22KV, 6KV, trạm bơm, trạm biến áp, tuyến ống xăng dầu và các công trình HTKT khác.
Đặc biệt, chính sách đền bù hỗ trợ GPMB của Nhà nước liên tục thay đổi, giá đất bồi thường hỗ trợ thay đổi theo từng năm với xu hướng năm sau cao hơn năm trước, chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư, giá bồi thường hỗ trợ về vật kiến trúc, cây cối hoa màu thay đổi .
Đối với dự án đường 5 kéo dài, kế hoạch triển khai được lập theo hình thức vừa tiến hành công tác GPMB vừa tổ chức thi công. Tuy nhiên, mặt bằng thi công của các gói thầu xây lắp luôn trong tình trạng được bàn giao “xôi đỗ”, hầu như không có mặt bằng sạch đủ diện rộng để nhà thầu thi công đồng bộ các hạng mục công trình.
Phần lớn diện tích mà tuyến đường đi qua đều nằm giữa cánh đồng nên để có thể triển khai thi công, các nhà thầu phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các công trình phụ trợ như: thuê đất làm đường tạm phục vụ thi công, xây dựng hoàn trả các công trình kênh mương do tuyến đường cắt qua, đảm bảo việc sản xuất của nhân dân không bị gián đoạn...
Do những nguyên nhân nêu trên nên công tác GPMB của Dự án bị kéo dài và tới ngày 15/6/2014 mới cơ bản hoàn thành.
Về khó khăn do biến động giá, UBND Thành phố cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã bị ảnh rất lớn của 2 đợt bão giá từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào các năm 2008 và 2010, làm cho giá các loại nguyên vật liệu chính đều tăng gần gấp đôi so với thời điểm đấu thầu. Việc biến động giá ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tài chính của các nhà thầu, điều này một phần cũng gây nên sự trì trệ của một số nhà thầu, do gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ thi công.
Về tính chất kỹ thuật phức tạp của Dự án, nhịp chính cầu Đông Trù được thiết kế áp dụng công nghệ mới cầu vòm ống thép nhồi bê tông, nên quá trình triển khai từ khâu thiết kế, giám sát, thi công… đều phải liên quan đến đối tác nước ngoài vì tại thời điểm đó, các nhà thầu trong nước không có đủ năng lực về kinh nghiệm thi công loại cầu với công nghệ mới này. Ngoài ra, trên tuyến có 3 cầu với thiết kế nền đường đầu cầu đắp cao, đòi hỏi phải xử lý kỹ thuật gia tải khử lún, làm kéo dài thời gian.
Về nguyên nhân chủ quan, UBND Thành phố cho biết, tình hình tài chính của các nhà thầu bị ảnh hưởng từ các kỳ khủng hoảng kinh tế, rất khó khăn về tài chính, nên dẫn đến việc nhà thầu thi công trì trệ, có tính chất đối phó, cầm chừng. Tuy nhiên, Thành phố cũng đánh giá, Chủ đầu tư cũng chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt, còn thiếu cương quyết với những nhà thầu thi công chậm tiến độ, việc điều chỉnh giá cho nhà thầu còn quá thận trọng.
Đánh giá về trách nhiệm cụ thể, Thành phố cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn là thiếu sự chỉ đạo thi công tập trung, quyết liệt, sự đôn đốc kiểm tra trong công tác đầu tư Dự án, từ việc phân bổ nguồn lực, bố trí vốn, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh về kỹ thuật, công nghệ và cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện…; trong đó trách nhiệm thuộc về Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả ngạn, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện có dự án đi qua ...
UBND Thành phố cho biết, hiện tại, Chủ đầu tư đang cùng với các đơn vị liên quan phân khai lại các khối lượng thi công của từng giai đoạn, trong đó sẽ xác định rõ các lỗi khách quan và chủ quan làm chậm tiến độ; Trên cơ sở đó sẽ thực hiện việc giảm trừ các giá trị khối lượng bị chậm do lỗi của nhà thầu theo đúng quy định hiện hành.
Ý kiến bạn đọc