(VnMedia) - Thừa nhận mô hình chợ - Trung tâm thương mại không hiệu quả, Hà Nội tiếp tục đưa ra giải pháp “cứu” bằng cách dẹp chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để "trả lại" chợ dân sinh cho người dân thì lại chưa được quan tâm...
Mất 5 chợ dân sinh, được 5 công trình… dở sống dở chết
Sau khi Thành phố đã chấp thuận cho doanh nghiệp phá bỏ chợ dân sinh, đầu tư xây dựng theo mô hình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại, đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 5 công trình chợ - trung tâm thương mại đưa vào hoạt động.
Công trình Chợ - trung tâm thương mại Cửa Nam, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, với diện tích 1.300m2, được xây dựng lại với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đưa vào hoạt động Quý I/2010.
Công trình Chợ - trung tâm thương mại Hàng Da, phố Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, có diện tích 3.000m2, với quy mô 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng, đưa vào hoạt động Quý IV/2010.
Công trình Chợ - trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, diện tích 520m2, xây dựng lại với quy mô 7 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, đưa vào hoạt động năm 2007.
Chợ - trung tâm thương mại 19/12, số 41 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (chợ Âm Phủ) được xây dựng lại trên diện tích khoảng 2.700m2, gồm 12 tầng nổi, 4 tầng hầm và 1 tầng bán hầm.
Công trình Chợ - trung tâm thương mại Thanh Trì, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, với diện tích lên đến 7.906m2, xây dựng lại với quy mô 7 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, đưa vào hoạt động năm 2004.
Hiện nay, cả 5 chợ - trung tâm thương mại này đều đang hoạt động đang trong tình trạng "dở sống, sở chết", không thể gọi là chợ. Đặc biệt, khu vực nào chợ dân sinh bị phá để xây trung tâm thương mại thì khu vực đó, chợ tạm, chợ cóc mọc lên như nấm. Tình trạng buôn bán vỉa hè, lòng đường diễn ra rất lộn xộn.
Theo đánh giá của UBND Thành phố, nguyên nhân là do giá thuê mặt bằng và các khoản đóng góp khác đều cao hơn so với mô hình chợ truyền thống; thiết kế của các công trình này chưa phù hợp không thuận tiện cho việc kinh doanh; hạ tầng giao thông xung quanh các công trình này chưa được triển khai xây dựng một cách đồng bộ… làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các hộ kinh doanh trong chợ và không thuận tiện cho người dân vào mua sắm nên dẫn đến tình trạng một số chợ sau khi đưa vào hoạt động không thu hút được các hộ kinh doanh vào kinh doanh. Thậm chí, toàn bộ diện tích bố trí chợ dân sinh đã được sang nhượng để kinh doanh siêu thị và các loại hình dịch vụ khác như Chợ - trung tâm thương mại Cửa Nam và Chợ - trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa.
Ngoài ra, một số Chợ sau khi đưa vào hoạt động chỉ thu hút được dưới 50% diện tích ngành hàng đã bố trí khác (Chợ - trung tâm thương mại 19/12; Chợ - trung tâm thương mại Thanh Trì).
Ở đâu mất chợ truyền thống, ở đó mọc thêm chợ cóc, chợ tạm |
Cứu trung tâm thương mại, quên… người
Một trong những nguyên nhân được Thành phố nhiều lần chỉ ra, đó là việc chưa giải quyết dứt điểm các tụ điểm buôn bán nhỏ lẻ, chợ cóc, hàng rong kinh doanh mua bán ngay trên vỉa hè, lòng đường xung quanh khu vực chợ-TTTM khiến cho hoạt động của chợ-TTTM không hiệu quả do giảm số lượng người dân vào chợ mua sắm
Và vì vậy, UBND Thành phố cho biết sẽ lại tiếp tục chỉ đạo lập danh sách các tụ điểm chợ cóc, hàng rong, giải tỏa và bố trí lực lượng chốt giữ không để tái tụ tập, nhất là các tụ điểm xung quanh công trình hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại để chợ hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là giải pháp dẹp chợ cóc, chợ tạm để “cứu” chợ - trung tâm thương mại là giải pháp mà Thành phố đã đề ra nhiều năm nay, nhưng trên thực tế không hề có hiệu quả. Đối với người dân lao động Hà Nội, ngoài sự chênh lệch giá cả giữa chợ dân sinh và trung tâm thương mại, thì còn rất nhiều lý do khác như văn hóa, thói quen mua sắm… Việc không tính đến những yếu tố một cách nghiêm túc, khoa học đã khiến cho việc phá bỏ chợ dân sinh để xây dựng mô hình chợ - trung tâm thương mại, với những lý được đưa ra hết sức tốt đẹp, nhưng cuối cùng đã thất bại.
Điều đáng nói hơn nữa, đó là nhiều năm nay, khi thấy hoạt động của mô hình chợ - trung tâm thương mại không hiệu quả, nhưng mọi giải pháp mà các cơ quan chức năng đưa ra hầu như chỉ tính đến việc sao cho các trung tâm này hoạt động đạt hiệu quả về mặt kinh tế chứ không hề đặt con người làm trung tâm của giải pháp.
Vấn đề là phải làm thế nào để khắc phục những nhược điểm của trung tâm thương mại, làm cho người dân mất chợ lại có thể được mua sắm với giá cả hợp lý, phù hợp với văn hóa của người Việt mà lại văn minh, hợp vệ sinh chứ không phải bằng giải pháp dẹp chợ cóc, chợ tạm để “ép” người dân vào trung tâm thương mại mua hàng với giá cao và những hình thức bất tiện.
“Có lẽ nếu sau khi phá bỏ chợ dân sinh để xây trung tâm thương mại mà những trung tâm này buôn bán đắt hàng, có lãi thì có lẽ, vấn đề chợ cóc, chợ tạm và việc người dân mua sắm ở đâu, đi chợ như thế nào…, cũng sẽ chẳng ai quan tâm.” – bà Phượng (phố Hàng Gà) bức xúc nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, Thành phố không thể đổ lỗi cho thói quen mua sắm tùy tiện của người dân để thanh minh cho việc thất bại của mô hình chợ - trung tâm thương mại, bởi ở những nơi mà chợ vẫn đúng nghĩa là chợ, tình trạng mua bán tại các ngõ ngách, vỉa hè ít hơn hẳn khu vực người dân mất chợ và ngược lại, chợ cóc chợ tạm lại ồ ạt phát sinh khi người dân không phải ai cũng có thể vào trung tâm thương mại để mua rau.
Ý kiến bạn đọc