(VnMedia) - Đến 18h30 ngày 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
>>Toàn cảnh 75 ngày Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
>>Toàn bộ chi tiết thông tin về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan
>>Tàu cá Trung Quốc bất ngờ rút khỏi giàn khoan
Đó là thông tin được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đưa ra chiều tối ngày hôm nay (16/7) sau một ngày dõi theo sự di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao tình hình trên biển. Lúc này trên khu vực biển Đông đang xuất hiện cơn bão Rammasun, diễn biến và cấp độ của bão được dự báo là phức tạp và rất mạnh. Lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác đang hướng dẫn ngư dân phòng tránh bão và có các biện pháp chủ động phòng chống bão", Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 16/7, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, khoảng 20h ngày 15/7, Trung Quốc đã có dấu hiệu dịch chuyển giàn khoan và bố trí các tàu theo đội hình để phục vụ công tác di chuyển giàn khoan.
Đến 21h5 phút, ngày 15/7, Trung Quốc đã chính thức di chuyển giàn khoan theo hướng Bắc – Tây Bắc (theo hướng về phía đảo Hải Nam) với vận tốc khoảng 4-4,5 hải lý/giờ, đồng thời bố trí 3 lớp tàu bảo vệ quá trình di chuyển giàn khoan.
"Theo thông báo chính thức của Công ty TNHH Cổ phần Dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL), giàn khoan Hải Dương 981 sẽ di chuyển về tác nghiệp tại vùng biển Lăng Thủy của đảo Hải Nam", Cục Kiểm ngư thông tin chiều 16/7.
Sơ đồ di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 đêm 15/7, rạng sáng 16/7. (ảnh: TT thông tin CSB) |
Theo đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam, các tàu kiểm ngư của ta đã triển khai các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi cơn bão Rammasun ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực. Các tàu cá của ngư dân ta hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa đã rời ngư trường về các địa điểm tránh trú bão.
Trong khi đó, trao đổi với VnMedia sáng 16/7, ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam xác nhận đến thời điểm 10h sáng, giàn khoan của Trung Quốc đã di chuyển được 40 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc, về phía đảo Hải Nam.
“Theo như Trung Quốc thông báo ngày hôm qua, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành giai đoạn tác nghiệp và phát hiện có dấu hiệu có dầu khí nên rút về đảo Hải Nam để nghiên cứu”, ông Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư cho VnMedia biết.
Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến 21h ngày 15/7, Trung Quốc đã di dời giàn khoan ra khỏi vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý.
Sau hơn hai tháng hạ đặt trái phép trên vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, 9h tối qua, Trung Quốc đã cho rút giàn khoan. |
Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Tuy nhiên, trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trong thời gian phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phản đối và lên án, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống về nước nhưng bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế, phía Trung Quốc vẫn ngang ngược không chịu rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hỗ trợ về nước.
Cũng trong thời gian đó, bất chấp thời tiết nắng, mưa, biển nổi sóng to, các lực lượng thực thi pháp luật của ta gồm: lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam và ngư dân ta vẫn kiên quyết bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần kiên trì của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta thật đáng được biểu dương.
Ý kiến bạn đọc