(VnMedia) - Nước mắt cha, mẹ; nước mắt vợ, con; nước mắt đồng đội; nước mắt bạn bè; nước mắt của những người không quen và cả rất nhiều nước mắt của các phóng viên đã rơi ngập tràn nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để đưa tiễn các anh về với Đất Mẹ.
Hàng ngàn người đã nghiêng mình vĩnh biệt các anh |
Đêm hôm trước, cha con còn gọi điện tâm sự…
Sáng 11/7. hàng ngàn người đã có mặt tại nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để tiễn đưa những người con ưu tú về với Đất mẹ.
Cố kìm nén nỗi đau của người cha có đứa con trẻ nhất trong số các chiến sĩ hy sinh, ông Đỗ Văn Cảnh, bố đẻ chiến sĩ Đỗ Văn Minh (sinh tháng 11/1992) kể: Ngay từ nhỏ, Minh đã là một đứa trẻ rất mạnh mẽ, thích những trò chơi cảm giác mạnh, ham mê thể thao và luôn mơ ước được trở thành sĩ quan quân đôi, được làm phi công. Ông đã vô cùng tự hào khi đứa con trai út đạt được nguyện vọng đó. Không chỉ riêng gia đình mà cả xã, cả huyện đều tự hào vì 40 năm mới có một người đỗ vào sĩ quan không quân. Khi mang con vào nhập trường, ông đã rất sung sướng và yên tâm vì tin rằng môi trường quân đội sẽ giúp con trưởng thành.
“Thằng bé cao 1m74, nặng 68kg. Đêm trước ngày nó “đi”, nó gọi điện thoại về cho tôi, giọng rất vui vẻ, bảo bố ở nhà giữ gìn sức khỏe, không phải lo cho con. Nó bảo thầy trò vừa liên hoan ăn mừng chuyển hệ dù. Vừa tối hôm trước bố con nói chuyện với nhau như thế, ngày mai đã nghe tin sét đánh bên người. Lúc ở nhà nghe thời sự, thấy có tai nạn máy bay, tôi rất nóng ruột vì đêm trước khi bố con nói chuyện, nó bảo địa điểm nhảy dù là mạn sân bay Hòa Lạc. Tôi điện cho con thì con không nghe máy. Chúng tôi lập tức bắt xe lên Hà Nội, đến bệnh viện 354 thì mới biết họ đã đưa thi thể các con về đó.” - ông Cảnh nói, nước mắt lăn dài nhưng đôi mắt buồn vẫn ánh lên niềm tự hào về cậu con trai can trường.
Nhập ngũ năm 2010, lẽ ra hết năm nay Minh sẽ tốt nghiệp ra trường. Ông Cảnh bảo, Minh chưa có bạn gái. Gia đình cũng động viên, bảo con ra trường rồi mới nghĩ đến chuyện vợ con. Nhưng bây giờ, linh hồn em đã vĩnh viễn ở lại trên bầu trời cao xanh kia, nơi nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng của chàng trai 22 tuổi.
Đi cùng ông Cảnh có cô em gái họ của Minh, cô bé Đỗ Thị Yến. Yến kể, cả trường cấp III Tống Duy Tân (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đều tự hào về anh Minh. Hôm nay, các thầy cô và bạn bè của Minh đang chờ ở quê nhà để ngày mai đón người con ưu tú trở về với đất mẹ.
Anh đã cắt tóc cho chị trước ngày ra đi…
Có mặt trong lễ truy điệu, đứng khuất ở góc nhà tang lễ, một nữ chiến sĩ trẻ nước mắt cứ lăn dài trên má. Cô khóc nức nở khi nhớ lại, cách đây 1 tuần, khi cô đến chơi nhà em gái ở cạnh nhà anh Việt (liệt sĩ Lê Thanh Việt, sinh năm 1978), cô đã gặp một cảnh tượng rất cảm động: anh Việt đang cắt tóc cho vợ ở trước cửa nhà. Giờ đây, nhớ lại cảnh tượng đó, cô không thể cầm lòng được.
Đứng cạnh đó, một phụ nữ luống tuổi cũng đang ràn rụa nước mắt. Con trai chị cũng là một phi công, bay chiếc S22, anh là đồng đội của các chiến sĩ đã hy sinh. Hôm nay, chị có mặt ở đây để đưa tiễn các anh như đưa tiễn những người thân yêu, ruột thịt của mình. Đứng bên cạnh chị, một nữ nhà báo trẻ vừa nhanh tay ghi chép, vừa nức nở khóc. Hôm nay, ở đây, nhiều phóng viên, nhà báo khác cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình với một nỗi đau
Vĩnh biệt các chiến sĩ ưu tú
Xúc động khi đọc điếu văn, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Trưởng ban lễ tang nhấn mạnh, đây là những cán bộ chiến sĩ ưu tú của Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Tư lệnh thủ đô, đã trực tiếp tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng.
“Những chuyến bay chở thuốc, cứu sinh giúp dân gặp lũ lụt thiên tai, hình ảnh các chiến sĩ bảo vệ an toàn các sự kiện quan trọng của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên vẫn in đậm trong lòng nhân dân.” - Trung tướng Nguyễn Văn Thanh nói
“Hành động dũng cảm quên mình của tổ lái tránh khu dân cưu không để xảy ra thiệt hại, có đồng chí bị thương rất nặng vẫn nhớ đồng đội kẹt trong máy bay là hình ảnh cao đẹp, thể hiện phẩm chất cách mạng, ý chí bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ”, Trung tướng nghẹn ngào nói.
Ông Đỗ Văn Cảnh, bố liệt sĩ Đỗ Văn Minh: Thằng bé cao 1m74, nặng 68kg. Đêm trước ngày nó “đi”, nó gọi điện thoại về cho tôi |
Mịnh ơi, chúng tớ nhớ bạn... |
Con trai chị cũng là một phi công, lái chiếc Su 22. "Đồng đội của nó giờ nằm kia..." |
Các anh là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, quê hương. Nay các anh ra đi, để lại nỗi đau không gì bù đắp được |
18 chiến sĩ ưu tú đã vĩnh viễn nằm xuống |
Họ đều còn rất trẻ |
Có những người chưa kịp lập gia đình |
Có những người để lại con thơ, còn ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra |
|
và vợ trẻ, đau đớn khóc chồng |
Giữa cơn mưa tầm tã, Hà Nội tiễn các anh đi |
|
và nỗi đau của người ở lại |
|
|
Người dân đứng chật hai bên đường đưa tiễn các anh |
|
Các cháu ơi, sao để lại bà mà đi? |
Một người lính đang làm nhiệm vụ, đứng lặng lẽ vĩnh biệt đồng đội |
Ý kiến bạn đọc