Cứ 1 triệu người Việt thì có 1 người siêu giàu

19:05, 08/07/2014
|

(VnMedia) - Ngân hàng Thế giới hôm nay (8/7) đã công bố báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Báo cáo cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng.

Theo báo cáo, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định với những biểu hiện như lạm phát giảm, cải thiện tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối. Tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%, do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khoá bị thu hẹp.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu – tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.

“Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.” Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu. “Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn  triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.” – bà Victoria Kwakwa nói thêm.

Mặc dù đánh giá viễn cảnh trước mắt có thể thuận lợi, nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cảnh báo hiện đang tồn tại những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Chậm trễ về tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và tạo ra những động thái ngày càng bất lợi, có thể dẫn đến nghĩa vụ nợ dự phòng lớn trong khu vực công, khiến cho nợ công tăng đến các mức không còn bền vững. Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi.

Ảnh minh họa

Cứ 1 triệu người Việt Nam thì có 1 người siêu giàu


Cứ 1 triệu người có 1 người siêu giàu

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới có phần đặc biệt tập trung vào tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam vì vấn đề này đã trở thành một chủ đề được quan tâm chung tại Việt Nam và trên thế giới. Báo cáo dẫn chứng, những phong trào xã hội liên quan đến những quan ngại về bất bình đẳng đã diễn ra tiếp nối cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và nhận thức về sự gia tăng bất bình đẳng chính là một trong những nguyên nhân của phong trào Cách mạng Mùa xuân Ả-rập năm 2011.

Theo Báo cáo, hầu hết những quan ngại về tăng bất bình đẳng tập trung vào khoảng cách giữa những người rất giàu với số đông người dân Việt Nam. Một trong những phát hiện của báo cáo, đó là cứ khoảng một triệu người Việt Nam thì có một người siêu giàu. Việt Nam ước tính có 110 người siêu giàu vào năm 2013, tăng từ mức 34 người siêu giàu năm 2003. Số người siêu giàu ở Việt Nam tương đương với các quốc gia khác cùng mức thu nhập như Việt Nam.

Đối với vấn đề nhận thức về bất bình đẳng, Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện khảo sát nhận thức về bất bình đẳng năm 2013. Kết quả cho thấy, phần lớn những người được khảo sát, và tám trong số mười người dân đô thị cho biết họ quan ngại về bất bình đẳng về mức sống tại Việt Nam.

Theo đó, phần lớn người trả lời nói rằng bất bình đẳng giữa giàu và nghèo phần nào do tài năng và sự chăm chỉ. Nhưng quan ngại về bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trở nên lớn hơn khi người ta cho rằng bất bình đẳng là do những hành vi thiếu chính đáng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những người trả lời khảo sát về nhận thức ủng hộ mạnh mẽ các chính sách tái phân phối của chính phủ nhằm giảm bất bình đẳng trong xã hội và
Ngân hàng Thế giới cho rằng, trọng tâm chính sách nhằm giải quyết những trở ngại đối với bất bình đẳng về cơ hội là phản ứng hợp lý đối với những quan ngại tăng lên về bất bình đẳng.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc