(VnMedia) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đồng ý về mặt nguyên tắc các phương án hỗ trợ Chủ đầu tư dự án Công viên Yên Sở - từng được kỳ vọng là công viên đô thị lớn nhất Châu Á nhưng hiện đang gặp khó khăn về tài chính...
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và kinh phí di chuyển đường điện cao thế mà Công ty Gamua Land Việt Nam đã thực hiện và được đối trừ vào tiền sử dụng đất khu chức năng đô thị mà Công ty phải nộp theo quy định.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng chấp thuận đề nghị của Công ty về việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ, bổ sung chức năng đô thị thuộc dự án theo hướng bổ sung chức năng nhà ở thương mại; Giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn việc điều chỉnh quy hoạch đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục theo quy định, thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt.
Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của cả khu đất sẽ được tính vào chi phí dự án khi xác định giá trị tiền sử dụng đất của khu chức năng đô thị theo quy định.
Ngược lại, công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam có trách nhiệm quản lý và vận hành khu A Công viên Yên Sở trong suốt thời gian thực hiện dự án bằng kinh phí của nhà đầu tư. Công viên được mở cửa miễn phí phục vụ nhân dân, trong khi nhà đầu tư được quyền kinh doanh các dịch vụ công trình dịch vụ trong công viên theo quy định.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng đồng ý dừng triển khai dự án khu B theo đề nghị của nhà đầu tư và giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch theo hướng cải tạo, không di dời khu dân cư hiện có, đồng thời tạo quỹ nhà tái định cư và khu đô thị hỗn hợp đồng bộ hạ tầng để lập dự án đối ứng theo hình thức BT đối với Công viên khu B, trên cơ sở đó xem xét lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.
Công viên Yên Sở chính thức khởi công vào tháng 12/2007, với tổng đầu tư dự án là 2 tỷ USD. Nằm trong quy hoạch mở rộng chiến lược của Thủ đô Hà Nội, công viên Yên Sở là dự án lớn, với mục tiêu ban đầu là một công viên công cộng đẳng cấp quốc tế có khu trường học, khu triển lãm và khu bảo tồn văn hóa, khu trung tâm thương mại gồm hai tòa tháp văn phòng dành cho các tập đoàn đa quốc gia, các khách sạn 5 sao, trung tâm hội thảo, các cửa hàng và khu nhà ở trên tổng diện tích 327 héc ta bao quanh hồ Yên Sở. Trong đó diện tích công viên và hồ nước là 280 héc ta, được kỳ vọng sẽ là công viên đô thị lớn nhất châu Á.
Bên cạnh đó, những biến đổi tích cực do Công viên Yên Sở còn được kỳ vọng giúp cải thiện chất lượng nước của kênh và hồ Yên Sở, cải thiện môi trường sống quanh hồ, cho cộng đồng dân cư tại cửa ô Thanh Liệt cũng như các cộng đồng dân cư khác sống dọc theo sông Tô Lịch vốn đang sử dụng nước sông để sinh hoạt và tưới tiêu.
Tuy nhiên, sự khó khăn trong thị trường bất động sản những năm gần đây đã khiến cho việc hoàn thành các hạng mục trong công viên này chưa được thực hiện như dự kiến. Tập đoàn Gamuada Berhad (Malaysia) – chủ đầu tư dự án Công viên Yên Sở đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn lại vốn khi đầu tư (theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng - PV) vào công viên Yên Sở và Nhà máy xử lý nước Yên Sở.
Trước đó, hồi cuối năm 2012, Hà Nội cũng đã quyết định điều chỉnh cục bộ dự án Công viên Yên Sở, theo đó chuyển đổi 5,2 ha đất dự kiến quy hoạch là công viên cây xanh sang chức năng là khu dân cư cải tạo chỉnh trang, trong đó bao gồm: nhà ở dân cư, công trình dịch vụ công cộng hạ tầng xã hội, đường giao thông.
Theo nguồn tin riêng của VnMedia, công ty Gamuda Land Việt Nam đã từng đề nghị Thành phố hỗ trợ khoản kinh phí duy trì, vận hành Công viên Yên Sở. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Hà Nội đồng ý. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi đầu tư vào Việt Nam, trong giai đoạn thị trường Bất động sản nóng, giá cả tăng cao thì nhiều Chủ đầu tư đã thu những món lợi khổng lồ. Vì vậy, khi có rủi ro thì họ không thể lại kêu cứu và trông chờ vào nguồn ngân sách của Thành phố.
Ý kiến bạn đọc