(VnMedia) - Theo Bộ Giao thông vận tải, vị trí xây dựng các cây cầu treo thường ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, heo hút, nhiều nơi xe ô tô không đến được nên rất khó khăn khi triển khai từ khâu khảo sát thiết kế đến triển khai thi công...
>>Cầu treo Sam Lang bị nước lũ cuốn sập
Bộ Giao thông vận tải vừa có thông cáo báo chí thông báo về tiến độ xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Sau sự cố sập cầu treo Chu Va làm 7 người chết hồi đầu năm 2014, Bộ Giao thông vận tải mới bắt tay vào rà soát các cầu treo trên cả nước. Kết quả của việc rà soát này là có 186 cầu treo nguy hiểm sẽ được xây dựng mới.
Theo đề án của Bộ Giao thông vận tải, 186 cầu treo dân sinh này sẽ được xây dựng và hoàn thành trong thời gian 9 tháng kể từ ngày các thủ tục triển khai đề án được hoàn tất.
Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng 186 cầu treo, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư “Hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh” và "Hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn” để thống nhất quản lý công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu cũng như quản lý vận hành, khai thác cầu treo.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã cho lập và công bố thiết kế mẫu cầu treo có khẩu độ từ 40 mét đến 120 mét; khổ cầu 1,5 mét và 2,0 mét làm cơ sở để áp dụng cho thiết kế và thi công đại trà.
Cầu treo Sam Lang mới được xây dựng nhưng đã bị nước lũ của cơn bão số 2 vừa qua cuốn sập. Ảnh: Hà Nội mới |
Đặc biệt, để tránh những sự cố đáng tiếc như đã từng xảy ra với Chu Va, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án, cụ thể: Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là đơn vị khảo sát thiết kế; Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị thẩm tra thiết kế và giám sát thi công, các công ty cơ khí có năng lực tài chính và thi công như: Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Công ty Cổ phần Cơ khí 30-4, Công ty Cổ phần Xây dựng Hồng Nam, Công ty Cổ phần Xây dựng 465.
"Tính đến ngày 14/7 đã tiến hành khảo sát, thiết kế và phê duyệt xong báo cáo kinh tế kỹ thuật của 83 cầu treo. Trong tháng 7/2014 đã có 4 cầu treo được khởi công triển khai xây dựng là cầu Bản Côm thuộc tỉnh Yên Bái, cầu Nam Công thuộc tỉnh Hà Nam, cầu Bản Diềm thuộc tỉnh Nghệ An và cầu Chợ Mới thuộc tỉnh Bắc Kạn", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Vẫn theo Bộ Giao thông vận tải, ngay sau lễ khởi công, nhà thầu đang gấp rút thực hiện lập biện pháp tổ chức thi công, đúc cọc bê tông cốt thép, chuẩn bị vật tư thiết bị để gia công cấu kiện phần trên của cầu tại xưởng trước khi lắp đặt hoàn chỉnh tại hiện trường. Chính quyền địa phương đồng thời đang khẩn trương thực hiện công tác GPMB, rà phá bom mìn vật nổ để có mặt bằng sạch đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công.
Tuy nhiên, do đặc thù của đề án xây dựng công trình trên địa bàn rộng lớn bao gồm 28 tỉnh thành, vị trí xây dựng các cầu lại ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, heo hút, nhiều nơi xe ô tô không đến được nên rất khó khăn khi triển khai từ khâu khảo sát thiết kế đến triển khai thi công.
"Với quyết tâm cao và được sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trên các địa bàn, trong năm 2014 sẽ phấn đấu hoàn thành 83 cây cầu đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các cầu còn lại sẽ được lần lượt hoàn thành trong quý 1 và đầu quý 2 năm 2015", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Liên quan đến việc xây dựng các cây cầu treo, ngày 22/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 (bão Ramasun) đã gây mưa to trên diện rộng, tạo thành trận lũ lịch sử từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt nhiều khu vực tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, trong đó có xã Na Hỳ, nơi cầu treo Sam Lang mới được xây dựng. Trong lúc nước lũ lên cao, một bè gỗ lớn theo lũ dồn về đã đâm va mạnh vào cầu Sam Lang gây đứt cáp, cùng với sức nước quá lớn đã làm lật cầu vào tối ngày 22/7.
Điều đáng nói là cầu treo Sam Lang được xây dựng bởi sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sau khi xuất hiện câu chuyện người dân, giáo viên, học sinh ở Sam Lang mùa lũ phải chui vào túi ni lông để qua suối.
Cầu được thiết kế, xây dựng theo kết cấu mới nhất Việt Nam, khung thép, sàn thép, là loại cầu “bán vĩnh cửu” (tức là có thời gian sử dụng đảm bảo độ an toàn ít nhất từ 25 năm trở lên).
Chiều dài giữa hai trụ cổng cầu 70m (chưa kể đường dẫn 2 bên đầu cầu từ trụ cầu đến mố neo mỗi bên dài 15m), rộng mặt cầu 1,5m. Cầu làm toàn bộ bằng thép ống tổ hợp từ trụ tháp cầu (cao 7m, hình chữ “H”) cho đến dầm dọc, dầm ngang, lan can, mặt sàn…
Cây cầu được khởi công xây dựng ngày 11/4, và sau một tháng thi công khẩn trương, ngày 5/5 vừa qua, cây cầu đã được khánh thành, bàn giao chính thức đưa vào sử dụng.
Ý kiến bạn đọc