(VnMedia) - Kể từ khi thang máy bị hỏng dẫn đến cái chết thương tâm của một nhân viên bảo vệ ở tòa nhà 11 tầng (khu đô thị Trung hòa – Nhân Chính, Hà Nội), nhiều cụ già đã phải “án binh bất động” trong căn hộ của mình trên tầng cao mà không có cách nào "hạ sơn"...
Thang may tại tòa nhà N5A (Trung Hòa - Nhân Chính), nơi nạn nhân Trần Anh Tuấn tử vong do sự cố thang máy. Hiện các thang máy này đã bị dừng hoạt động nên người dân của tòa nhà 11 tầng này hàng ngày đều phải leo bộ |
Nỗi thống khổ sau 10 năm tái định cư....
Tòa nhà N5A sau vụ 3 ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm, không khí vừa ảm đạm, vừa sôi sục. Ảm đạm bởi người dân vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết bất ngờ của người bảo vệ thân thuộc, sôi sục phẫn nộ bởi những gì mà họ đã phải chịu đựng suốt 10 năm qua, mà đỉnh điểm là những ngày gần đây.
Kể lại vụ việc kinh hoàng về ngày định mệnh xảy ra đối với người bảo vệ có tên Trần Anh Tuấn, sinh năm 1964, bà Nguyễn Kim Toán, năm nay 71 tuổi, ở tầng (phòng 907) ngậm ngùi nói: nhà chú ấy ở Phú Thọ, gia đình rất hoàn cảnh, hai bố mẹ ngoài 80 đang nằm liệt. Cậu em trai cũng làm bảo vệ cho một tòa nhà gần đó hiện đang bị bệnh hiểm nghèo. Trước hoàn cảnh thương tâm của người bảo vệ xấu số, bà con trong tòa nhà dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đã tự động quyên góp được gần 2 chục triệu để giúp đỡ gia đình anh Tuấn, đồng thời tổ chức làm lễ cúng 3 ngày tại nơi xảy ra tai nạn.
Trong khi đó, chị Lưu Thu Hoa, sống tại tầng 10 (căn hộ 1002) bức xúc cho biết: “Việc thang máy hỏng đã được báo trước đây 4-5 tháng, đơn từ gửi đi rất nhiều nhưng người ta bảo là thang đã hết thời hạn bảo hành nên dân phải tự lo. Chúng tôi về đây 10 năm rồi, chưa thấy một ai quan tâm. Lần này thang hỏng, đã báo đi như thế nhưng công văn về đây như thế nào dân chúng tôi không được biết. Chúng tôi cũng không biết cái hình thức quản lý nhà này như thế nào. Đến lúc thang máy hỏng đáng lẽ ra phải đến sửa chữa, hoặc nếu không sử dụng được thì cơ quan chức năng phải đến đóng, niêm phong lại nhưng vẫn để thang hoạt động. Chúng tôi nghe nói thang chỉ bị hỏng con chip, khi mở thang ra vẫn hoạt động bình thường, có thể chạy 1-2 ngày rồi lại dừng. Nếu niêm phong lại thì dân không bước chân vào. Không ai thông báo gì thì đương nhiên người ta vẫn đi lại trong sự nguy hiểm mà không biết.”
Bà Toản bên tấm bảng thông báo dân tự đóng tiền sửa chữa thang máy |
Chị Hoa cũng cho biết, sau khi thang máy hỏng một thời gian dài mà không được sửa chữa, các hộ dân trong tòa nhà đã phải tự bầu ra một ban gồm 8 người để đi vận động thu tiền sửa chữa. Chỉ đến sau tai nạn xảy ra thì hiện nay Công ty quản lý nhà (Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội) mới cho người đến sửa.
“Xảy ra chết người rồi mới để ý đến dân chúng tôi. Chúng tôi đang tự đóng góp để sửa thang đi lại. Dân chúng tôi là dân tái định cư, nghèo mới phải ở cái kiểu như thế này, nếu có tiền thì không bao giờ ở đây . Không ai để ý đến chúng tôi, để chúng tôi muốn làm như thế nào thì làm, muốn sống như thế nào thì sống.”
“Gia đình chúng tôi có 600m2 ở mặt đường Khuất Duy Tiến, không phải đi làm gì một tháng cũng có mấy chục triệu tiền thuê nhà, về đây phải bán buôn ở vỉa hè mà cũng còn không có chỗ. Hai con nhỏ đi học, chồng đi làm lương 3 cọc ba đồng, không đủ tiền nuôi con. Khi giải phóng mặt bằng thì nói với chúng tôi là đến nơi ở mới thì sẽ phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhưng hiện tại chúng tôi khổ như thế này.” – chị Hoa chia sẻ nỗi khổ mà bản thân chị và những người dân tái định cư tại tòa nhà đang phải chịu đựng.
Chị Hoa cũng cho biết, từ hôm thang máy bị hỏng, con gái chị đang học cấp II không dám đi thang máy. Nhà chị Hoa ở tầng 10, một ngày con gái chị đi học lên xuống có khi tới 6 lần, mệt không còn sức để học. Nhưng khổ nhất phải kể đến những người già không còn sức lực để có thể hàng ngày leo bộ cả chục tầng nhà.
“Có cụ Thảo, hai vợ chồng già một người 82, một người 84 ở trên tầng 8, phòng 803. Từ hôm xảy ra sự cố thang máy, cụ ông không dám xuống. Tôi thấy cụ bà đi lại quá vất vả nên phải bảo các cụ cứ ở nhà, cần gì thì gọi điện để chúng tôi mua giúp rồi mang lên. Bây giờ chỉ có 2 cụ già ở với nhau, đi bộ lên giữa chừng nhỡ xỉu xuống cũng không ai biết.” – chị Hoa xót xa nói.
Bà Toán cũng cho biết, ngoài bản thân bà đã hơn 70 tuổi thì tòa nhà hiện còn rất nhiều các cụ già, có cụ trên 80 tuổi, có cụ trên 90 tuổi. Từ khi thang máy bị hỏng, các cụ không thể lên xuống 9-10 tầng nên đành “nằm im” trên nhà như tù giam lỏng. Trong số đó có cả chồng bà Toán là ông Nguyễn Mạnh Lân, nguyên là đảng ủy viên, bí thư chi bộ phường Nhân chính và cũng nguyên là phó ban quản trị hợp tác xã thí điểm của thành phố trong giai đoạn 2010 – 2012. Ông Toản cũng đang có vấn đề về sức khỏe nên từ hôm xảy ra sự cố thang máy, ông không dám lần mò xuống tầng 1 vì sợ không đủ sức leo trở lên.
Căn hộ tầng 9, nơi ông Lân, chồng bà Toản đã mấy ngày nay không dám "hạ sơn" |
Phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Nhà ở
Tại căn hộ trên tầng 9, chúng tôi được ông Lân chia sẻ, qua 10 năm về tái định cư tại tòa nhà NA5, ông thấy chất lượng nhà tái định cư rất thấp và đặc biệt, luôn luôn có sự mâu thuẫn giữa người dân với cơ quan quản lý nhà.
“Chất lượng xây dựng, hạ tầng nói chung là kém. Thang máy, thiết bị phòng cháy chữa cháy… về hình thức thì đầy đủ cả, nhưng về nội dung không ai kiểm soát. Khi tôi đến, ngay đầu tiên nó đã “tịt” luôn rồi. Người ta lắp đặt như thế nào đó thì người dân tái định cư không có quyền thanh tra kiểm tra nên có máy bơm, có bình cứu hỏa, bình bọt to nhỏ đủ cả nhưng khi sờ đến thì hầu như hư hỏng không hoạt động được.” – ông Lân nhận xét.
“Sau vụ việc gây chết người vừa qua, tôi thấy là nên xử lý tổng hợp một cách nghiêm túc theo Luật nhà ở và Quyết định 01/2003 của Thành phố. Bây giờ cha chung không ai khóc, không ai quản lý, không ai quan tâm, nhiều sự cố xảy ra không làm thế nào được. Phải có sự quản lý đồng bộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, thống nhất từ người dân đến người quản lý, bảo vệ… mới đảm bảo cuộc sống của người dân an toàn được. Chúng tôi bây giờ sống rất sợ hãi. Như thang máy, họ thông báo là công ty quản lý nhà không chịu trách nhiệm bảo trì cho nên tổ dân phố sợ hoảng lên, vội vàng thông báo mỗi gia đình đóng 90.000 sửa chữa. Dân thì người đồng ý người không, bởi vì người ta nói cơ quan quản lý đâu mà người ta lại phải tự đứng lên thu góp tiền? Tiền chúng tôi đóng góp vận hành nhà nó đi đằng nào, tiền tầng 1 cho thuê đi đâu? bãi xe trông giữ xe để lấy tiền bảo trì nhà đi đâu? Tất cả những cái đó cứ u u mơ mơ…” – ông Lân nói.
Ý kiến bạn đọc