(VnMedia) - Theo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và vừa được Chủ tịch nước chính thức công bố sáng nay (10/7), cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư…
Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan - ảnh minh họa |
Cụ thể, Điều 16 của Luật Xây dựng sửa đổi quy định, cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.
Ủy ban nhân dân có liên quan, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.
Theo đó, đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương có liên quan.
Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch xây dựng. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt.
Trong khi đó, theo Điều 17, việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quy hoạch xây dựng được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng được thực hiện thông qua lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn. Đại diện cộng đồng dân cư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trong khi đó, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng ít nhất là 15 ngày làm việc đối với cơ quan, 30 ngày làm việc đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư được lấy ý kiến để hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng. Trường hợp không tiếp thu thì phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Liên quan đến vấn đề lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, giải trình trước Quốc hội, Ủy ban TVQH cho biết, việc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng là nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch. Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.
Về vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 4 Điều 34 đã được quy định “Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi quy hoạch này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt”.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa Điều 42, quy định hình thức bắt buộc công bố thông tin quy hoạch xây dựng được duyệt trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và tùy theo điều kiện, tình hình thực tế lựa chọn thêm các hình thức công bố khác như thông qua hội nghị, trưng bày tại nơi công cộng, tại cơ quan quản lý nhà nước, in ấn phát hành rộng rãi...
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc