Báo chí đóng vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng

19:18, 23/07/2014
|

(VnMedia) - Phát biểu tại Hội nghị tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá như vậy.

 

Sáng 23/7/2014, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên toàn quốc.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ hết sức quan tâm, cũng như có những biện pháp quan trọng trong vấn đề triển khai công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng và đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật cho người dân liên quan đến việc phòng chống tham nhũng.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, trong công tác phòng chống tham nhũng thì vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, các phóng viên, biên tập viên là hết sức quan trọng, do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn về phòng chống tham nhũng cho các phóng viên báo, đài về những nội dung quan trọng trong các văn bản pháp luật phòng chống tham nhũng, tạo điều kiện cho các phóng viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.


 Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Huỳnh Minh - Báo Bưu điện.



Trao đổi tại Hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề cập đến vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng. Theo ông Đỗ Quý Doãn, hiện nay, các văn bản luật phòng, chống tham nhũng, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, cũng như các thành tích đấu tranh về vấn đề này đã được các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phòng, chống tham nhũng, cũng như tăng tính công khai, minh bạch của hệ thống cơ quan nhà nước. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, báo chí đã đi đầu điều tra, phản ánh nhiều hành vi tham nhũng, cung cấp thông tin giúp cơ quan chức năng phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

 

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quý Doãn, sự thái quá của báo chí, tình trạng đưa tin không chính xác, một chiều làm dư luận hiểu sai về các vụ việc đã gây hậu quả xấu. Đáng buồn hơn, nhiều phóng viên lợi dụng hoạt động nghề nghiệp vào mục đích cá nhân, xuyên tạc, bịa đặt... gây áp lực công luận tới cơ quan chức năng.

 

Để đảm bảo cho báo chí hoạt động trong một hành lang pháp lý thông thoáng, phát huy tốt vai trò của mình trong công tác phòng chống tham nhũng, theo ông Đỗ Quý Doãn cần phải chú trọng đến tính công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước, cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, tránh đùn đẩy dẫn đế đưa thông tin thiếu chính xác, gây những hậu quả tiêu cực.

 

“Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng để công tác phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao. Mặt khác, cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng cơ bản của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Người làm báo trước hết phải nắm rõ luật, phải tuyên truyền được chủ trương, chính sách của Đảng cho người dân, có nghiệp vụ cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng mới có thể làm tốt vai trò trong việc đi đầu phòng chống tham nhũng.” - ông Doãn nói.

 

Hội nghị tập huấn về công tác phòng chống tham nhũng và công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên toàn quốc sẽ diễn ra trong hai ngày, 23-24/7.


Phan Lê

Ý kiến bạn đọc