(VnMedia) - UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu rà soát tất cả các nhà chung cư để kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong việc chậm thành lập Ban Quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên, ngay cả khi thành lập được Ban quản trị thì liệu các Ban quản trị này thực sự có thể mang lại quyền lợi cho người dân?
Cư dân tòa nhà NA5 cho rằng, việc tai nạn xảy ra là do Công ty quản lý nhà đã không kịp thời xử lý sự cố thang máy. |
Luật Nhà ở hiện hành đã quy định về việc thành lập Ban Quản trị một cách rất rõ ràng. Trong đó, Ban Quản trị nhà Chung cư có quyền lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp doanh nghiệp đó không thực hiện đúng cam kết; giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký.
Ban Quản trị Nhà Chung cư cũng có quyền thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng liên quan tới việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với các cơ quan chức năng, với tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét giải quyết; Kiểm tra, theo dõi giám sát việc sử dụng, bảo hành, bảo trì nhà chung cư theo quy định…
Đặc biệt, Ban quản trị Nhà Chung cư có quyền thu các khoản tiền phải nộp của các chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng và kinh phí từ việc sử dụng các phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư (nếu có), sau đó thanh tooán kinh phí cho doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư theo hợp đồng đã ký và trả khoản tiền phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên trong Ban quản trị và các khoản chi khác theo quy định của Hội nghị nhà chung cư…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Lân, nguyên là Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ phường Nhân Chính, nguyên là Phó Ban Quản trị HTX Nhà ở thí điểm của Thành phố (giai đoạn 2010 – 2012), hiện đang sinh sống tại tòa nhà NA5, Trung Hòa - Nhân Chính cho biết, Quyết định 2381 do Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình ký làm thí điểm trong 2 năm thành lập Ban quản trị chung của 21 tòa nhà của khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, cùng với Công ty TNHH Một Thành viên quản lý và phát triển nhà ở quản lý khu dân cư đó, với những ưu việt rất lớn, nhưng trên thực tế lại làm vô hiệu hóa các quy định của Luật Nhà ở đối với quyền của Ban Quản trị.
“Mâu thuẫn lớn trong Quyết định 2381 là Ban Quản trị lúc này chỉ có quyền như là một đơn vị giúp việc của Công ty, hỏng đâu thì báo chứ không có quyền quyết định. Ban quản trị lúc này chỉ là cơ quan hữu danh vô thực.” - ông Lân nhận xét.
Trước sự thất bại của Quyết định 2381 nói trên, Thành phố rút kinh nghiệm, ban hành quyết định 01/2013 về quản lý vận hành nhà chung cư, trong đó lưu ý 2 điểm phải làm: đó là phụchồi chức năng của Ban Quản trị giống hệt như trong Luật Nhà ở mà Quốc hội thông qua, thứ 2 là riêng nhà tái định cư được phép sử dụng một phần diện tích tầng 1 để phục vụ cho vận hành bảo trì nhà, nhưng "một phần" là bao nhiêu thì lại không nói rõ.
“Ngoài ra, quyết định cũng quy định tầng 1 ưu tiên cho dân tái định cư thuê, bãi xe, nơi công cộng được sử dụng để làm dịch vụ, lấy kinh phí đó phục vụ lại cho người dân. Nhưng trong khi Công ty đôn đốc chúng tôi lập Ban quản trị thì điều quan trọng là bù tầng 1, lấy bãi đỗ xe.., là bao nhiêu lại không rõ ràng. Cùng với đó là khoản tiền 2% kinh phí để sửa chữa thì lại “lờ” đi, nên dân không bầu, không muốn lập ra một Ban quản trị làm “tay sai, giúp việc” đi thu tiền của dân.” - ông Lân bức xúc nói.
“Tôi hoan nghênh quyết định 01 của Thành phố, nhưng tôi cho rằng sẽ không thực hiện được bởi vì nó va vào lợi ích của Công ty và một số cơ quan nhà nước.” - ông Lân khẳng định.
Theo ông Lân, thành lập Ban quản trị chỉ có tác dụng thực sự khi đi kèm là phải giao quyền và tiền. “Có tiền, có quyền thì người ta mới xử lý vấn đề được.” - ông Lân nói sau khi đã chứng kiến thất bại của Hợp tác xã thí điểm.
“Hiện vẫn còn có điều không rõ, đó là ban quản trị là đơn vị như thế nào? Đó là đơn vị kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp hay chỉ là dơn vị hành chính đơn thuần… Luật Nhà ở không quy định rõ chỗ này nên có tiền thì người ta gửi vào đâu? Tóm lại, quyền chúng tôi được làm gì, chức năng nhiệm vụ phải rõ ràng, tiền bạc phải minh bạch, tầng 1 được sử dụng bao nhiêu và những bãi xe phải được sử dụng. Chứ hiện nay, bãi xe, kinh doanh dịch vụ... nhưng tiền sử dụng như thế nào thì không ai biết” - ông Lân nói thêm.
Trong khi đó, có ý kiến khác lại cho rằng, quy định của Thành phố rất đầy đủ, chỉ trừ.... chế tài. "Yêu cầu Chủ đầu tư phải thành lập Ban Quản trị, phải thế này thế khác, nhưng lại không quy định chế tài. Chính vì vậy, cả chục năm nay các chung cư không thành lập được Ban Quản trị nhưng chẳng ai bị xử lý. Như thế, có thanh tra, kiểm tra phát hiện ra sai phạm đi chăng nữa thì việc giải quyết đến tận cùng cũng không phải là chuyện đơn giản." - ông Phạm Đình Thái, Chủ nhiệm HTX nhà ở Thụy Điển băn khoăn.
Ý kiến bạn đọc