(VnMedia) - Nhiều điểm úng ngập trong nội thành Hà Nội đã được khắc phục nhưng lại xuất hiện nhiều điểm úng ngập mới tại các khu vực như đường 70, đường Phạm Văn Đồng…
Thông tin trên được ông Nguyễn Lê, TGĐ công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 3/6.
Theo ông Nguyễn Lê, dự báo trong mùa mưa bão năm nay, tình hình thời tiết sẽ có diễn biến phức tạp, mùa mưa đến sớm hơn bình thường và cần đề phòng các trận mưa có cường độ lớn. Tuy nhiên, với kết quả của công tác duy tu duy trì cũng như các dự án, công trình đầu tư, cải tạo hoàn thành bàn giao, dự kiến năm 2014 sẽ giảm được một số điểm úng ngập như Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Lương Bằng, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối – Phạm Đình Hồ, Tôn Đản – Lê Lai v.v… các khu vực khác thời gian tiêu thoát cũng nhanh hơn, nhìn chung tình hình tiêu thoát nước khu vực nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) năm 2014 sẽ có sự cải thiện đáng kể.
"Đối với các trận mưa nhỏ hơn 50mm, cơ bản trên địa bàn Thành phố không có điểm úng ngập, chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng nước khi mưa do đường trũng hay tại một số khu vực ngõ xóm. Khi trời hết mưa, giao thông đi lại bình thường.
Tuy nhiên, ông Lê cũng cho biết, đối với các trận mưa lớn hơn, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số khu vực ngập nước từ 1,5 đến 2 giờ, trong đó có những khu vực phát sinh tại các vành đai; đang thi công dở dang hoặc chuẩn bị đầu tư dự án như đường Phạm Văn Đồng, đường 70, lưu vực sông Nhuệ, khu vực Tây Hồ Tây, chân cầu Vĩnh Tuy, Thanh Đàm – Vĩnh Hưng…
Để khắc phục, khi trời mưa, tại một số trọng điểm thoát nước sẽ được Công ty triển khai lực lượng ứng trực, phương tiện, thiết bị… theo đúng phương án đã duyệt. Vận hành các trạm bơm, các cửa phai đưa nước vào các hồ điều hòa để tăng nhanh khả năng tiêu thoát nước; Phối hơp chặt chẽ với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển qua khu vực ngập nước đảm bảo an toàn.
TGĐ Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội Nguyễn Lê trao đổi tại cuộc họp - ảnh: Tuệ Khanh |
Cũng theo ông Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, trong điều kiện tiết kiệm, tiết giảm kinh phí, từ năm 2012 đến nay, kinh phí cho công tác thoát nước đô thị chỉ được bố trí khoảng 70% nhu cầu thực tế và tiếp tục giảm dần nhưng công ty vẫn đảm bảo nạo vét ít nhất 1 lần/ga/tháng. Các khu vực trọng điểm được nạo vét 2-3 lần/ga/tháng với sự hỗ trợ của thiết bị cơ giới; kết hợp nạo vét với tăng cường sửa chữa, cải tạo ga thu; khôi phục, bổ sung ga thu tại các vị trí đường trũng….
Ngoài ra, Công ty tiếp tục lắp đặt các trạm bơm tự động tại một số khu vực trũng như ngã tư Tôn Đản – Lê Lai; ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt để giảm úng ngập.
"Giải pháp này đã phát huy hiệu quả, qua mùa mưa năm 2013 tại Nguyễn Khuyến, sau khi lắp đặt trạm bơm tự động tại đây, thời gian úng ngập tại khu vực này đã giảm từ 2,5 giờ xuống còn 30 – 45 phút." - ông Lê cho biết.
Ông Lê cũng cho biết, bên cạnh việc thiếu kinh phí thì việc nội thành mở rộng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật của các dự án đang triển khai với khu vực lân cận còn nhiều bất cập, chưa theo kịp quy hoạch.
"Do vậy, các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, đường giao thông, các dự án xây dựng lớn có liên quan đến hệ thống thoát nước tiếp tục thực hiện cần sự phối hợp nhịp nhàng để vừa đảm bảo tiến độ thi công, vừa đảm bảo công tác thoát nước và giảm thiểu ảnh hưởng đến tình hình giao thông." - ông Nguyễn Lê đề nghị.
Sẽ còn cống hóa thêm nhiều mương
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của VnMedia về việc tại sao trong khi nhiều nước trên thế giới đang "sửa sai" bằng cách giữ lại, thậm chí đào lại các kênh, mương, sông đã bị lấp đi thì Hà Nội lại tiếp tục lấp hoặc cống hóa nhiều mương thoát nước, khiến cho tiết diện thấm nước mặt khi trời mưa bị giảm, dễ gây ngập lụt, ông Lê Hồng Quân trưởng phòng hạ tầng thoát nước cho biết, đó là vì làm theo quy hoạch.
"Việc lấp hoặc tiến hành cống hóa các mương, kênh... là chúng tôi làm theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đúng là nhiều nước đã phải đào kênh mương trở lại, nhưng chúng ta phải làm theo thực tế, điều kiện kinh tế xã hội, sự phát triển đô thị... Ngoài ra, còn có lý do chống lấn chiếm, gây ô nhiễm... Hiện nay, nước thải của các hộ dân trong thành phố vẫn thải trực tiếp xuống hồ, ảnh hưởng đến năng lực thoát nước. Trong điều kiện chúng ta chưa thể thu gom, xử lý nước thải thì vẫn cần phải cống hóa một số mương" - ông Quân lý giải.
Cũng theo ông Lê Hồng Quân, tất cả thiết kế và tính toán đều đáp ứng thông số lựa chọn, so với hiện trạng thì cống hóa có tiết diện lớn hơn, nâng gấp đôi, gấp 3 năng lực thoát nước chứ không bị co hẹp.
Cũng tại buổi giao ban báo chí chiều nay, ông Nguyễn Manhh Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đã thông tin cụ thể về các dự án thoát nước của Thành phố. Theo đó, một số gói thầu trong dự án thoát nước đô thị giai đoạn 2 đã được hoàn thành là: xây dựng trạm bơm Yên Sở và bãi đổ; thiết bị trạm bơm Yên Sở và phụ tùng thay thế; cải tạo đường công vụ bờ phải mương Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin (dài 12,5km); cải tạo hồ Hó Mẻ, Hào Nam, Đống Đa, Bẩy Mẫu; mua sắm thiết bị vận hành, bảo dưỡng và phụ tùng thay thế...
Ngoài ra, còn nhiều gói thầu sẽ hoàn thành trong năm 2014, trong đó đặc biệt là các dự án cải tạo hồ góp phần điều hòa nước mưa, thoát nước...
Ý kiến bạn đọc