(VnMedia) - Những cây cổ thụ trông bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh, với những tán lá xanh mướt phủ bóng trên đường phố Hà Nội bỗng nhiên đổ sập, cướp đi sinh mạng của người đi đường. Nguyên nhân được xác định là do bị sâu đục thân…
Cây cổ thụ trên đường Hùng Vương bị sâu đục rỗng gốc, đổ sập trong cơn giông cướp đi sinh mạng của một lái xe taxi hôm 4/6 - ảnh: Vũ Ngọc |
Trong trận mưa bất thường xảy ra tại Hà Nội hôm 4/6, một cây xà cừ cổ thụ, có đường kính tới 1,2m đã đổ sập xuống đường, đè lên một chiếc taxi. Hậu quả của vụ đổ này là 1 lái xe taxi đã thiệt mạng ngay tại chỗ.
Chia sẻ với VnMedia, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó TGĐ công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh cho biết, khi xem xét hiện trường đã phát hiện sát gốc cây bị sâu ăn mục ruỗng bên trong. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là bên ngoài cây nhìn hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì cho thấy cây bị sâu và vì vậy, chúng như những tử thần nấp trong các thân cây rình rập cướp đi sinh mạng của người đi đường.
“Việc thăm dò để phát hiện cây bị sâu trong những trường hợp này là cực kỳ khó khăn nếu không nói là không thể làm được” - ông Hưng khẳng định và cho biết thêm, tại thành phố Hồ Chí Minh, công ty Công viên Cây xanh đã đầu tư mua một máy khoan thăm dò cây với giá cả tỷ đồng, tuy nhiên vẫn không có tác dụng gì vì không thể khoan mọi vị trí của cây. “Có thể khi khoan không phát hiện có sâu ở đoạn này, nhưng cách vị trí đó khoảng vài chục cm lại bị sâu ăn rỗng. Do vậy, muốn kiểm tra kỹ thì phải khoan rất nhiều và điều này là không khả thi với cả ngàn cây trong thành phố” - ông Hưng nói.
Chính vì vậy, theo ông Hưng, việc kiểm tra, phát hiện các mối nguy hiểm thường chỉ được thực hiện chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm, nếu thấy có nghi ngờ thì sẽ tiến hành kiểm tra sâu. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là xác xuất còn những cây bị sâu bệnh có thể đổ gẫy trong mưa bão là hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều đáng nói là trong khi hiện tượng cây gẫy, đổ gây tai nạn bất ngờ trên các đường phố của Hà Nội có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì việc giải quyết hậu quả, hỗ trợ, bồi thường cho nạn nhân lại chưa có một cơ chế cụ thể nào, và người dân vẫn phải gánh chịu thiệt thòi.
Còn nhớ, mùa mưa bão năm 2012, cũng do một cây cổ thụ đổ trên phố Lò Đúc, một lái xe taxi của công ty Mai Linh đã thiệt mạng. Câu chuyện khi đó đã dấy lên một loạt ý kiến về trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cuối cùng thì gia đình chỉ nhận được sự hỗ trợ của công ty Công viên Cây xanh dưới dạng quyên góp của cán bộ công nhân viên của công ty. Sau đó, lãnh đạo công ty cũng đã chia sẻ khó khăn với gia đình nạn nhân bằng cách nhận vợ của người lái xe xấu số này vào làm việc tại công ty.
Theo Phó TGĐ công ty Công viên Cây xanh Nguyễn Xuân Hưng, khoảng 5 năm nay, Công ty đã có đề xuất lên Thành phố về việc cho phép Công ty mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết đền bù những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng làm cho cây đổ, cành gẫy gây thiệt hại cho người và tài sản. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều vụ cây đổ gây chết người trong những mùa mưa bão, đề xuất này của Công ty vẫn chưa được giải quyết và lần này, với người lái xe taxi thiệt mạng do cây đổ hôm 4/6, phương án cũ được lặp lại khi cán bộ công nhân viên của công ty Công viên Cây xanh lại tiếp tục quyên góp để hỗ trợ gia đình nạn nhân.
Những cây cổ thụ xanh tốt bên đường mang mối nguy hiểm rình rập người đi đường mỗi khi có mưa dông - ảnh: Tuệ Khanh |
Một trong những tác dụng của cây xanh đô thị trong thành phố là việc che phủ bóng mát vào mùa hè. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trước mỗi mùa mưa, công ty Công viên Cây xanh lại phải tiến hành chặt tỉa cành cây để phòng gẫy đổ. Điều này khiến cho cây xanh phần nào mất đi tác dụng quan trọng của nó. Nhưng nếu không cắt tỉa thì rất nguy hiểm, bởi ngay trong trận mưa dông hôm 4/6, dù chưa phải là bão nhưng đã có hàng trăm cây bị gãy cành.
Theo ông Hưng, ở một số nước như
Cũng liên quan đến việc xử lý các cây xanh gẫy đổ trong mùa mưa bão, hiện nay, công ty Công viên Cây xanh có tổng cộng là 14 xe ô tô các loại, trong đó có 1 xe cẩu 10 tấn và 2 xe cẩu 5 tấn. Tuy nhiên, theo ông Hưng, gặp trường hợp phải di chuyển những cây to, công ty phải đi thuê lại xe cẩu lớn hơn.
Trước thực tế trên, Công ty kiến nghị khi có bão lớn xảy ra, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải cần giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành hỗ trợ, giúp đỡ công ty về trang thiết bị, phương tiện mà công ty chiếu sáng, công ty thoát nước, công ty môi trường đang sử dụng như: xe cẩu cỡ lớn và xe tải cớ lớn.
Công ty cũng tiếp tục đề nghị cho phép mua bảo hiểm hoặc được tính quỹ dự phòng 2% trên tổng số kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết đền bù những trường hợp mà nguyên nhân do khách quan, bất khả kháng làm cho cây đổ, cành gẫy gây thiệt hại cho người và tài sản.
Đặc biệt, đơn vị này đề nghị các đơn vị thi công hạ cáp ngầm, cải tạo hè trên các tuyến phố không chặt rễ cây, phải có phương án bảo vệ, gìn giữ cây xanh.
Ý kiến bạn đọc