“Trừ diệt” kiểu "kinh doanh cơ chế, chạy dự án"

07:50, 19/06/2014
|

(VnMedia)- Theo đại biểu Trần Du Lịch, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản phải uy định chặt chẽ vấn đề chuyển nhượng để tránh tình trạng chạy dự án rồi đẩy giá lên bán lấy lời mà ông gọi là “kinh doanh cơ chế”…
 
Phát biểu tại Hội trường chiều 18/6 khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản, 
đại biểu Trần Du Lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, có 3 loại nhà kinh doanh bất động sản, trong đó 2 loại nhà cần phải khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn và một loại phải trừ diệt.
 
Cụ thể, loại thứ nhất là những người kinh doanh bất động sản xin dự án và xây dựng theo quy hoạch bán để kinh doanh, tạo nên bộ mặt đô thị và loại thứ hai là mua lại đất đã có rồi để xây dựng lên, nâng giá trị lên để bán. Theo đại biểu Trần Du Lịch, đy là hai đối tượng kinh doanh cần phải khuyến khích phát triển và tạo điều kiện phát triển.
 
Tuy nhiên, có một loại kinh doanh bất động sản mà theo đại biểu thành phố Hồ Chí Minh cần phải trừ diệt, đó là chuyên môn chạy dự án rồi chuyển nhượng kiếm lời, nâng giá lên, không kinh doanh gì khác và kinh doanh cơ chế.
 
“Loại này vừa làm hại thị trường, vừa làm hư bộ máy nhà nước, phải làm sao loại đi.” – đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.
 
Đại biểu Trần Du Lịch cũng nêu lên một tình trạng đáng lưu ý, đó là thị trường bất động sản đang hình thành loại bán thành phẩm, tức là xây dựng các khu dân cư, khu đô thị rồi bỏ hoang, không ai xây dựng gì. Theo ông, vấn đề phân lô, bán nền, ai xây không quan trọng, mà quan trọng nhất là tiến độ và quy hoạch thì chủ đầu tư đầu tiên phải chịu trách nhiệm trên tổng thể.
 
Trong khi đó, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) thì quan tâm đến hiện tượng một số dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo chất lượng, khi chủ đầu tư đã bán được hết nhà ở cho người mua và được cấp giấy phép chứng nhận sử dụng đất và sở hữu thì chủ đầu tư rút khỏi dự án, không thực hiện bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến tình trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không ai sửa chữa. Hoặc có dự án chỉ hoàn thành một số hạng mục cho công trình, chưa hoàn thành toàn bộ công trình nhưng lại muốn bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý.
 
Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị bổ sung quy định chủ đầu tư có trách nhiệm ký quỹ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án, sau khi xây dựng hoàn thành và bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo dự án đã được phê duyệt, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ trả lại tiền ký quỹ ban đầu.
 
“ Có một nhà đầu tư nước ngoài bình luận là cơ sở hạ tầng công cộng nhà nước đầu tư cầu đường, những anh kinh doanh bất động sản hưởng lợi từ những công trình đó mà không đóng góp gì. Ở các nước khác người ta buộc họ phải có sự đóng góp, vì họ đã hưởng lợi từ các hạ tầng công cộng mà nhà nước đã đầu tư, nếu như đã có sẵn.” - đại biểu Thân Đức Nam phân tích.
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị, đối với các điều kiện để kinh doanh bất động sản, các đối tượng phải sử dụng hình thức ký quỹ để thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản, vì đây là hình thức quản lý rất tốt và hiệu quả, không sai về mặt pháp luật. Đại biểu Bảo cho rằng, cần quy định rõ vốn pháp định tương ứng với quy mô giao dịch bất động sản.
 
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) e ngại vấn đề ký khiến chủ dự án “chôn một vốn trong suốt vòng đời của dự án thì rất nặng nề,” nên theo  ông, có nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn có một loại quỹ  khác nhau, tùy tiến độ để có thể cho chủ dự án giải ngân bớt và sang giai đoạn khác lại đóng, không nên cứng nhắc.

Ảnh minh họa

Đại biểu Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội trường chiều 18/6


Vẫn lo việc người nước ngoài kinh doanh bất động sản
 
Cũng giống như khi thảo luận về luật Nhà ở, các đại biểu tiếp tục lo ngại về những quy định cho phép người nước ngoài kinh doanh bất động sản tại Việt Nam có thể gây ra những hệ lụy cho thị trường và an ninh quốc phòng
 
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nên phải vừa đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước, không làm xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và trật tự cộng đồng, đồng thời tránh được những hệ lụy có thể phát sinh.
 
Đại biểu Phùng Đức Tiến, cần mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản, tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng phải tăng cường điều kiện ràng buộc và hạn chế để đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước đối với các chủ thể này cũng như với thị trường bất động sản và lợi ích quốc gia nói chung.
 
“Hai vấn đề này không hề mâu thuẫn. Việc tăng cường kiểm soát của pháp luật để đảm bảo lợi ích quốc gia không vi phạm nguyên tắc đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.”- đại biểu Phùng Đức Tiến khẳng định và đề nghị cần hạn chế các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được đầu tư kinh doanh bất động sản ở một số địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia của Việt Nam; cần sàng lọc kĩ tư cách pháp lí và năng lực tài chính của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh bất động sản ở Việt Nam như đặt ra điều kiện ở mức điều lệ tình hình tài chính, năng lực và kinh nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể quy định cả quy mô vốn tối thiểu của dự án mà nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư.
 
Đặc biệt, đại biểu này cho rằng cần siết chặt hơn thủ tục phê duyệt dự án bất động sản, thủ tục đầu tư đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài; tăng cường tính trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi hoạt động kinh doanh bất động sản ở Việt Nam như tăng mức kí quỹ, thực hiện dự án khi phải mua bảo hiểm bắt buộc cho dự án v.v... và cần có những biện pháp để hạn chế việc huy động vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu cần quan tâm đến các vị trí nhạy cảm, nhất là biên giới, hải đảo nhưng theo ông, không nên đưa điều này vào luật mà theo nên quản lý trên phương diện quy hoạch. “Chúng ta có toàn quyền về quy hoạch thì không nên đưa những điều khoản cấm vào luật” – đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến.
 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc