Quốc hội phải là cơ quan quyền lực cao nhất đúng nghĩa

19:34, 16/06/2014
|

(VnMedia) - Theo đại biểu Trần Du Lịch, Quốc hội phải thể hiện vai trò thực sự là cơ quan quyết định ngân sách bằng cách tham gia ngay vào quá trình lập dự toán ngân sách chứ không phải thụ động như hiện nay…

Tăng đại biểu chuyên trách: Cần nhưng tránh lãng phí

Sáng nay (16/6), các đại biểu thảo luận tại Hội trường về Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đại biểu Trần Du Lịch, đây là một đạo luật “rất quan trọng”, một vấn đề “quá lớn”.

Dẫn câu ngạn ngữ phương Tây “Quốc hội có quyền làm được tất cả những chuyện trừ chuyện biến đàn ông thành đàn bà”, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, những gì có thể đổi mới để Quốc hội thực hiện đúng vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì cố gắng đưa tối đa, không hạn chế.

“Tuy nhiên, Dự thảo này chưa đổi mới mạnh mẽ.” - đại biểu Trần Du Lịch khẳng định bởi theo ông, vai trò trung tâm là đại biểu Quốc hội không có gì mới.


Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch


Về đai biểu chuyên trách, đa số các đai biểu đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách đề phù hợp với sự phát triển của hoạt động Quốc hội. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) kiến nghị nâng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là từ 40-45% trong tổng số đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, để tăng cường hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, mỗi đoàn địa phương ở các tỉnh, thành phố cần có ít nhất 2-3 đại biểu theo số đại biểu được bầu tại địa phương đó, trong đó Trưởng đoàn phải là đại biểu Quốc hội chuyên trách, tránh tình trạng như hiện nay là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm lại đi phụ trách đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách 35% trên tổng số đại biểu Quốc hội là ít.

“Quốc hội ta đang thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, mà đôi ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách là đội ngũ nòng cốt trong mọi hoạt động của Quốc hội. Việc tăng cường đội ngũ này là cần thiết với số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách của nhiệm kỳ này thì việc tăng đạt mức 35% cũng chỉ tăng một con số rất ít.” - đại biểu tỉnh Kiên Giang nói và đề nghị cần phải tăng khoảng 45% đại biểu chuyên trách, đồng thời đề nghị hạn chế tối đa số lượng đại biểu không chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, vì đây là các cơ quan chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) thì cho rằng, điều cử tri quan tâm khi sửa đổi luật lần này là làm thế nào đại biểu Quốc hội phải sát với cử tri, thường xuyên gặp gỡ cử tri, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, kịp thời giải quyết những bức xúc của cử tri, những oan tình cử tri gặp phải… chứ không phải là chỉ ở hai kỳ họp Quốc hội.

Về quyền của đại biểu Quốc hội, đai biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và đưa ra dự thảo quy định cụ thể hơn theo hướng tăng thực quyền của Quốc hội, cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực của Quốc hội trong thiết chế bộ máy của nhà nước. Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) góp ý cần bổ sung quy định, đại biểu Quốc hội khi tham gia các kỳ họp Hội đồng nhân dân ở địa phương được thực hiện các quyền như đại biểu Hội đồng nhân dân, kể cả quyền chất vấn, quyền kiến nghị, trừ quyền biểu quyết.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, Hiến pháp không hạn chế quyền và trách nhiệm của đại biểu chuyên trách khác với đại biểu thường, do đó, cần phải có một mục riêng quy định rất rõ đại biểu chuyên trách là ai, quyền hạn, trách nhiệm đến đâu và vai trò của đại biểu chuyên trách, chấm dứt tình trạng hành chính hóa, “đẻ” ra một loạt chức vụ hành chính.

“Không thảo luận cái này mà chúng ta tăng chuyên trách lên là không có cơ sở. Với chuyên trách như hiện nay mà càng tăng thì chỉ tốn ngân sách, không có lợi cho dân.”

Quốc hội phải thực sự là cơ quan quyết định ngân sách

Đặc biệt, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc chủ động xây dựng chương trình pháp luật và cũng như Quốc hội thực sự là cơ quan quyết định ngân sách.

“Nếu không làm hai việc này thì chúng ta có bao nhiêu thứ quyền cũng vô nghĩa.” - đại biểu Trần Du Lịch nói và đề nghị cơ cấu, tổ chức Quốc hội, các ủy ban theo hướng sửa lại Điều 90 là Ủy ban Pháp luật không chỉ là thẩm định luật mà tham gia ngay quá trình xây dựng chương trình pháp luật một cách chủ động để trình Quốc hội chứ không chỉ là thẩm tra.

Thứ hai, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chuyển Ủy ban Ngân sách lên Điều 91. “Tôi đề nghị chúng ta không nên để là Ủy ban Tài chính, Ngân sách chung chung, mà là Ủy ban Ngân sách Quốc hội. Quốc hội đầu tư tối đa cho Ủy ban này, thậm chí Vụ Ngân sách Quốc hội biên chế gấp 3 lần hiện nay cũng được, lấy chuyên viên giỏi làm, sửa lại là Ủy ban Ngân sách tham gia quá trình lập dự toán ngân sách không phải thụ động như hiện nay.

"Quá trình lập dự toán là Ủy ban này tham gia và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Phần chính sách tài chính để Ủy ban Kinh tế làm vĩ mô. Nếu Quốc hội làm được, kiểm soát được ngân sách thì tôi tin rằng Quốc hội mới thực sự thực hiện quyền của mình. Quy trình dự toán lập ngân sách mới quan trọng, còn làm xong rồi, dùng rồi mà đi quyết toán là không còn quan trọng nữa.” - đại biểu Trần Du Lịch phân tích kỹ.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc