Nhà ở công vụ: Làm gì để tránh “biến tướng?”

16:08, 26/06/2014
|

(VnMedia) - Sử dụng nhà ở công vụ không đúng đối tượng, không đúng mục đích; cơ chế xin - cho; lãnh đạo về hưu không chịu trả; nguồn tiền chi cho nhà công vụ… làm thế nào để vấn đề này được công khai, minh bạch và tránh biến tướng?

Câu chuyện nhà ở công vụ và những vấn đề “tế nhị” đã từng làm nóng dư luận khi có nhiều quan chức khi hết thời hạn sử dụng nhà công vụ đã không tự nguyện trả lại. Trong số đó, có nhiều người đã từng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Bộ, ban, ngành của nhà nước. Có những người cố tình dây dưa không trả, nhưng có người thì “đợi” người đến đòi mới trả, nhưng không thấy ai “đòi” nên… cứ ở.

Chia sẻ về điều này, có vị lãnh đạo (mới) cho biết rất “ngại” phải đến đòi vì chủ nhân những căn nhà công vụ đều là những người lớp trước, là bậc “cha chú”, thậm chí là người đã từng cất nhắc họ lên vị trí hiện tại. Nếu đến đòi kiểu “rát mặt” thì sợ mang tiếng là “bất nghĩa”.

Nhưng cũng có người dân cho rằng, vì đó là “của nhà nước”, là “của chùa” nên họ mới làm như vậy, chứ nếu đó là của riêng thì chắc chắn chẳng ai lại để cho người khác chiếm không như thế.

 Ảnh minh họa

 Một khu nhà công vụ ở Hà Nội


Tại Kỳ họp thứ 7 vừa rồi, vấn đề nhà công cụ lại một lần nữa được các đại biểu đưa ra “mổ xẻ” khi góp ý cho Luật Nhà ở. Qua đó, nhiều vấn đề bất cập khác ngoài chuyện “chây ì” đã được các đại biểu dẫn chứng.

Theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ.
 
“Điều này đã gây dư luận không tốt trong xã hội, cử tri cũng cho rằng chính sách này không đảm bảo công bằng xã hội. Tôi thấy hình như luật hiện nay đang có xu hướng hướng tới phục vụ cho một số ít đối tượng chứ không nhằm vào đối tượng phổ thông.” - đại biểu Nguyễn Thái Học nhận xét.
 
Theo đại biểu tỉnh Phú Yên, chính sách phát triển nhà công vụ trong Luật nhà ở đang cho thấy, nhà công vụ thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự thì không được đáp ứng.
 
“Tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định?” - đại biểu Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi.
 
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị Luật Nhà ở chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu về mặt an ninh và lực lượng vũ trang được điều động luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương để họ tự chủ hoàn toàn về nhà ở. Điều này giúp ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác. Đồng thời không phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà ở cá nhân.
 
Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng đề nghị đưa vào Luật quy định "không chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba vay vốn hoặc cho mượn, cho thuê nhà ở".
 
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, với điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay thì việc đưa chính sách nhà ở vào lương là chưa có khả năng.
 
Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, nhà ở công vụ là điều kiện để những người được điều động luân chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác như địa phương về trung ương và ngược lại, kể cả cán bộ được tăng cường về các vùng kinh tế - xã  hội đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa như thầy thuốc, thầy giáo, kỹ sư, kiến thức trẻ là cần thiết, tạo điều kiện cho họ toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ được giao.
 
Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực hiện chính sách này một cách công khai, minh bạch, đại biểu Khá đề Luật nên quy định chặt chẽ điều kiện đối tượng phải tương ứng đồng bộ với nhiệm vụ được giao và thời gian luân chuyển, tránh lãng phí, sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, biến tướng.
 
“Khi xong nhiệm vụ thì phải kết thúc sử dụng nhà công vụ để người đến nhận nhiệm vụ mới có nơi ở ngay. Hiện nay người cũ thì chưa trả, người mới không có ở, không xử lý được.” - đại biểu tỉnh Trà Vinh nói.
 
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) lại đề nghị không nên phát triển tràn lan và phải tính để thấy rằng, nhà nước đã lấy tiền thuế của dân bù vào bao nhiêu, nguồn ngân sách trung ương hay địa phương; nghĩa vụ của những người sử dụng nhà công vụ... Ông Trần Du Lịch cũng đề nghị phải quy định chặt chẽ, trường hợp người sử dụng nhà công vụ không trả thì sẽ xử lý ra sao.
 
Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị cần công khai, minh bạch các tiêu chuẩn ai được quyền cấp nhà công vụ, ở cấp nào thì được bao nhiêu mét vuông? Loại nhà gì…để “tránh tình trạng người thì 3 - 4 nhà ở, trong khi đó nhiều cán bộ lại không có, sinh ra xin cho, chạy chọt gây tiêu cực và tham nhũng, tham ô, làm cho quan hệ xã hội thiếu trong lành và cán bộ, công chức không yên tâm làm việc”
 
Dưới góc nhìn của người dân và của các cơ quan giám sát thực thi pháp luật, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) đề nghị cần bổ sung quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ làm việc ở các cơ quan trung ương, địa phương, tuy không được điều động luân chuyển nhưng thực sự gặp khó khăn về nhà ở thì cũng được thuê nhà ở công vụ.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc