Nguyên nhân nào gây lún hàng loạt tuyến đường vừa thông xe?

13:13, 25/06/2014
|

(VnMedia) - Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh, có hai nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa trong thời gian vừa qua...

>>Quốc lộ 2.800 tỷ đã lún 3 ngày trước lễ thông xe

>>Những cao tốc nghìn tỷ mới xong đã, lún nứt

>>Cao tốc hơn 20.000 tỷ đồng mới thông xe đã lún

Như VnMedia đã đưa tin, thời gian gần đây, hàng loạt các tuyến đường cao tốc, quốc lộ nghìn tỷ vừa thông xe đã lún, nứt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mới đây nhất, hơn một tuần sau ngày khánh thành, quốc lộ 18 được đầu tư với mức hơn 2.800 tỷ đoạn từ Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh) đã có nhiều đoạn lún, nứt nghiêm trọng.

Hiện tượng lún, vỡ mặt nhựa thấy rõ nhất tại một số đoạn qua tổ 91 khu Đồn Điền. Có những vết nứt dài 3-5 m, lún sâu 4-5 cm so với mặt đường. Nhiều chỗ lớp nhựa mới trải bung ra lộ rõ nền đường cũ.

Điều đáng nói là dự án này vừa được Bộ Giao thông vận tải long trọng tổ chức lễ thông xe vào ngày 18/5 vừa qua. Tại lễ thông xe, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã biểu dương Chủ đầu tư vì hoàn thành dự án sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Trước tình trạng liên tiếp các tuyến đường vừa thông xe xong đã lún, nứt trong thời gian vừa qua, chiều 24/6, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp khắc phục tình trạng vệt hằn lún bánh xe.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh, có hai nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa.

Nguyên nhân thứ nhất do sự tác động chủ quan của con người, tác động qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế; tác động qua quản lý thi công.

Theo ông Sanh, sự định hình chiều dày kết cấu áo đường cho tất cả các vị trí địa hình như nhau trên một tuyến đường là chưa phù hợp; Sự tiêu chuẩn hóa cùng một chủng loại vật liệu sử dụng cho tất cả các vị trí địa hình, khí hậu như nhau cũng chưa phù hợp; Hệ thống quản lý chất lượng của dự án chưa được thiết lập nghiêm túc và không có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền; Chưa kiểm soát được vật liệu đầu vào đúng tiêu chuẩn; Thiết bị, công nghệ thi công không đạt chuẩn; Kinh nghiệm thi công không được chú ý.

 Ảnh minh họa

 Rất nhiều cao tốc, quốc lộ đã xuất hiện tình trạng lún, nứt sau khi thông xe trong thời gian gần đây. Ảnh: VnE

Nguyên nhân thứ hai do tác động của ngoại quan môi trường thi công và khai thác, nhiệt độ thực tế cao hơn nhiệt độ hóa mềm cho phép của vật liệu theo thiết kế, cùng với việc xe quá tải lưu thông trên tuyến lớn hơn tải trọng thiết kế.

Tuy nhiên, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ lại cho rằng, có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc hằn vết bánh xe tại các tuyến đường; trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chính như: không kiểm soát được chất lượng thi công các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa trên toàn dự án.

"Kết quả thí nghiệm cho thấy ở những nơi hư hỏng chất lượng không đạt yêu cầu kỹ thuật, giải pháp thiết kế chưa phù hợp, thiếu linh hoạt cho những vị trí xung yếu như nút giao, dốc, gần khu công nghiệp, trạm xăng dầu; Tác động của phương tiện quá tải trọng; Do thời tiết, nhiệt độ môi trường tác động", ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghê cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học Công nghệ đã tích cực nghiên cứu đưa ra được những nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

Người đứng đầu ngành giao thông cho rằng, việc đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình là đòi hỏi khách quan, chính đáng của nhân dân đối với ngành giao thông vận tải.

"Là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất, đầu tư xây dựng giao thông lớn nhất cho nên trách nhiệm của chúng ta phải sử dụng đồng tiền của nhân dân thật hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói.

Để khắc phục tình trạng hằn vết bánh xe tại các tuyến đường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tư vấn thiết kế phải tổ chức thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc điểm địa chất từng tuyến đường. Thay đổi các chủng loại vật liệu cho phù hợp với những vị trí cần thiết phải thay đổi chiều dày kết cấu áo đường. Đồng thời, tăng cường kiểm định độc lập giữa các đơn vị.

Ông cũng yêu cầu đơn vị Tư vấn giám sát, phải nâng cao chất lượng đội ngũ tư vẫn giám sát, đặc biệt phải kiểm tra hồ sơ, năng lực trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của các kỹ sư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Tổ nghiên cứu các giải pháp khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe đối với mặt đường bê tông nhựa tiếp tục nghiên cứu cụ thể, chi tiết, chuyên sâu về các nguyên nhân, đưa ra các giải pháp khắc phục triệt để hiện tượng này.

"Ban Quản lý dự án, nhà thầu có kế hoạch khắc phục toàn bộ những vị trí cần sửa chữa. Việc khắc phục hiện tượng vệt hằn lún bánh xe tại một số dự án phải xong trong tháng 7, toàn bộ chi phí khắc phục do các nhà thầu chịu trách nhiệm", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

Ông cũng yêu cầu, đối với các dự án sắp hoàn thành, Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra, yêu cầu Ban Quản lý dự án, nhà thầu khắc phục ngay nếu có hiện tượng không đảm bảo chất lượng dự án.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc