(VnMedia) - Thảo luận về Luật Nhà ở, một số đại biểu lo ngại rằng, khi người nước ngoài hoặc người Việt ở nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam sẽ khiến cơ hội được sở hữu nhà ở của những người nghèo trong nước càng khó khăn hơn. Ngoài ra, còn vấn đề an ninh quốc phòng...
Lo cạnh tranh với người trong nước
Trong phiên thảo luận sáng nay (18/6) về Luật Nhà ở, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) tán thành với quy định mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở, nhằm thu hút nhân tài, nguồn lực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thủy đề nghị dự thảo luật cũng cần quy định chặt chẽ để tránh sự cạnh tranh với các đối tượng trong nước có nhu cầu về nhà ở thực sự cũng như để đảm bảo về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đào Văn Bình (thành phố Hà Nội) cũng lo ngại về vấn đề điều kiện tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
"Điều 158, tại Khoản 3 quy định điều kiện cho cá nhân người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam mà không có thêm điều kiện hạn chế dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường bất động sản. Tôi đề nghị quy định thêm điều kiện hạn chế, bên cạnh đó cần cân nhắc yếu tố an ninh quốc phòng, nếu chỉ vì mục đích khơi thông dòng chảy bất động sản hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy không kiểm soát được." - đại biểu Đào Văn Bình e ngại.
Đại biểu Lê Trọng Sang cũng cho rằng, dự thảo quy định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam tại dự thảo là quá rộng, dễ dẫn đến việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích về an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Trọng Sang cũng phân tích, nhu cầu về nhà ở của người dân trong nước là rất lớn, điều kiện tạo lập nhà ở của người dân trong nước còn khó khăn, do đó việc mở rộng cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam với điều kiện thuận lợi như trên sẽ ảnh hưởng đến quyền có nhà ở của người dân trong nước. Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị cần quy định hạn chế thấp hơn nữa đối với số lượng nhà ở hay khu vực cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Đại biểu vẫn còn băn khoăn về các điều kiện khi cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam |
Không sở hữu vô thời hạn thì không lo
Ngược lại, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nhất trí với dự thảo luật quy định người Việt Nam ở nước ngoài được phép nhập cảnh về Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu, bởi theo đại biểu, hiện có khoảng hơn 4.000.000 người Việt Nam ở nước ngoài với lượng kiều hối hàng năm gửi về nước nhiều chục tỷ đô la. Quy định này giúp cho thị trường bất động sản hoạt động tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt làm cho Việt kiều được gần gũi, gắn bó với quê hương hơn, để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đại biểu Trần Văn Minh cũng phân tích: Dự thảo luật đã có nhiều quy định khá chặt chẽ như chỉ cho phép đối với các tổ chức có giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam, cá nhân được phép nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ cho phép mua nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú đi lại và có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ v.v...
"Các quy định này sẽ đảm bảo không ảnh hưởng đến các chính sách về nhà ở của người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở và bảo đảm được quốc phòng, an ninh, tránh được việc lũng đoạn thị trường bất động sản.", đại biểu Trần Văn Minh khẳng định.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch ( thành phố Hồ Chí Minh) hoàn toàn ủng hộ từ Điều 57 đến 60 về vấn đề người nước ngoài. "Đây là vấn đề giải quyết tương đối đồng bộ chứ không phải vì chúng ta thừa nhà mà kêu nước ngoài bán và ủng hộ chỉ bán trong 50 năm theo quy định này, chứ không phải sở hữu vô thời hạn." - đại biểu Trần Du Lịch nói.
Cũng liên quan đến vấn đề sở hữu nhà của người nước ngoài ở Việt Nam, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lại nêu lên một vấn đề đặc biệt đáng lưu ý, đó là hiện nay có rất nhiều khu resort với diện tích hàng trăm, hàng nghìn hecta, trong đó nhiều khu này là đầu tư của nước ngoài.
"Những khu resort này thực tế cũng là nhà ở, chúng ta cũng chưa đề cập đến, chưa được quy định. Trong khi đó, nhiều khu resort này họ có thể làm nhiều công trình ngầm dưới đất, thậm chí có nhiều công trình ngầm thông ra biển nhưng mình không kiểm soát, không thể biết được."
Ý kiến bạn đọc