(VnMedia) - Dự thảo Luật Đầu tư quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND, HĐND các cấp không được ban hành danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện…
Ngày 23/6, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư. Rất nhiều ý kiến thiết thực, đầy tâm huyết đã được các đại biểu đóng góp cho dự thảo Luật.
Vốn đầu tư là nợ quốc gia
Trước hết, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), cho rằng, Luật cần phải đưa ra điều kiện quản lý dòng vốn đầu tư. Theo đó, một là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và hai là đầu tư trong nước ra nước ngoài.
“Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là tiếp cận theo dòng vốn, chứ không tiếp cận theo đầu tư là ai. Dòng tiền đó chảy từ nước ngoài vào để tạo ra một nguồn lợi lớn hơn đưa trở ra, nên đầu tư nước ngoài vào nước ta về bản chất, đó là nợ quốc gia. Bởi vì lợi tức quốc gia sẽ chia sẻ cho nước ngoài lớn hơn là nước ngoài đưa vào, do đó, ta quản lý là quản lý dòng vốn, chứ không phải quản lý ông A, ông B… Hiện nay, thực tế rất nhiều vốn FDI, nhưng nhà đầu tư không phải lấy tiền từ nước ngoài đi vào, nhất là bất động sản, mà người ta lấy "mỡ lợn rán lợn", mỡ lợn lại chính là nguồn lực trong nước, nếu ta không quản dòng mà đi quản "ông chủ" là không đúng.” – đại biểu Trần Du Lịch phân tích.
Tương tự, đại biểu TP. Hồ Chí Minh thì việc đầu tư ra ngoài cũng quản dòng, chứ không quản "ông chủ".
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch |
Thêm nhiều điều cấm
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông có nhiều băn khoăn, trong đó đặc biệt là Điều 23, 24, đó là quy định danh mục cấm đầu tư và danh mục đầu tư có điều kiện.
“Trong Ban soạn thảo lần này có cài thêm một điều khoản 25.2 là các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp không được ban hành danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một công văn các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp đưa danh mục đó về cho Quốc hội và ban soạn thảo tổng hợp thành một bản dự thảo danh mục cấm đầu tư, danh mục đầu tư có điều kiện để cho các đại biểu Quốc hội có thể xem xét góp ý. Khi đã trở thành điều khoản của luật, lúc đó các bộ, các cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân không được quy định các điều khoản thêm trong điều khoản này.” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Về Điều 26, lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị đưa thêm Khoản 27 là cấm các Ủy ban nhân dân, các Bộ đưa thêm vào đó những ưu đãi để thu hút đầu tư ở tại địa phương của mình, bởi nó không tạo được một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các địa phương và có thể gây ô nhiễm ở tại địa phương khác.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm tại Điều 5, đó là đầu tư khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật như nguồn vốn, quy hoạch, quyết định đầu tư vượt thẩm quyền… nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư theo phong trào, phá vỡ quy hoạch, đầu tư dàn trải.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) thì phân tích: Đầu tư nước ngoài sau 20 năm đang tồn tại một số “căn bệnh” mà các nước khác không có, như tỷ lệ nội địa hóa một số ngành cơ khí sản xuất ô tô, xe máy thất bại, công nghiệp phụ trợ không hình thành được, xuất khẩu thô và xuất khẩu nguyên liệu, gia công, công nghệ thấp, lao động giá rẻ.
“Chúng ta đang là điểm để thu hút các nước đưa chuẩn đầu tư lên cao, kể cả Trung Quốc thì công nghệ thấp sẽ chảy về đây và những nơi cần lao động giá rẻ chảy về đây. Lao động ở Trung Quốc bây giờ đã lên, giá lao động lên chứng tỏ kinh tế người ta phát triển tốt, còn chúng ta vẫn là nơi hứng dự án công nghệ thấp và sử dụng lao động giản đơn, giá rẻ. Luật này phải giải đáp được bài toán đó, không phải đây là lúc 20 năm về trước, chúng ta mở Luật đầu tư một lần nữa để lại hứng những dự án đầu tư một cách dễ dãi như trước. Tôi e rằng luật này đang không trả lời được những câu hỏi đó.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn.
Đai biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) thì băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung quy định nhà nước không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đặt trụ sở chính tại một địa điểm cụ thể.
“Nếu doanh nghiệp không có địa chỉ trụ sở chính thì các cơ quan chức năng của nhà nước sẽ quản lý những doanh nghiệp này như thế nào? Tôi cho rằng gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp là điều cần thiết và đây cũng là mục tiêu mà dự luật hướng tới nhưng bên cạnh đó, cũng cần phải đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với sự hình thành và hoạt động của các doanh nghiệp.” – đại biểu Nguyệt Hường phân tích.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị bỏ quy định này, vì nếu nhà đầu tư không đặt trụ sở chính tại một địa điểm cụ thể thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Đề nghị bãi bỏ nhiều điều khoản
Khoản 4, Điều 11 của Dự thảo Luật quy định, để được áp dụng điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 11 nhà đầu tư phải có yêu cầu trong vòng 3 năm kể từ ngày văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực. Tuy nhiên, đại biểu Nguyệt Hường đề nghị Ban soạn thảo xem xét bãi bỏ điều kiện này vì theo Đại biểu, quy định đó sẽ làm phát sinh thêm một loại giấy phép xin cho, tạo thêm rào cản cho nhà đầu tư đối với quyền lợi hợp pháp mà doanh nghiệp đương nhiên được hưởng.
Đại biểu đoàn TP. Hà Nội cũng đề nghị xem xét để bãi bỏ Khoản 5, Điều 11, vì những nội dung quy định tại khoản này không phù hợp với tinh thần bảo đảm đầu tư, nếu không muốn nói là đang đi ngược lại.
Ngoài ra, đại biểu đoàn TP. Hà Nội cũng cho rằng, Dự thảo luật còn khá nhiều điều khoản quét khi quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư.
“Tôi đề nghị xem xét lại tất cả những điều khoản quét này để đảm bảo sự minh bạch và để các bên không tự ý diễn giải luật khi áp dụng.” – đại biểu Nguyệt Hường nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nhằm thiết kế một quy trình đầu tư thống nhất, có xét đến lĩnh vực hoạt động của nhà đầu tư để quy định một cơ chế hậu kiểm, cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng trong việc xác nhận ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư với mục tiêu để việc cải cách thủ tục hành chính mang giá trị thực tiễn sâu sắc hơn nữa.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, ngay khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chủ động xem xét các điều kiện và lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư để chủ động thông báo cho nhà đầu tư các ưu đãi đầu tư mà họ được hưởng.
Ý kiến bạn đọc