(VnMedia) - Trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 22/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo Luật mới, mức đồng chi trả của nhiều đối tượng giảm mạnh; đặc biệt là bổ sung các quy định về khám thông tuyến được thanh toán hoàn toàn...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
- Một người dân đã đặt câu hỏi: “Bảo hiểm y tế là vấn đề mà những người dân nghèo như chúng tôi rất quan tâm. Tuy nhiên trong thời gian qua chúng tôi thấy có quá nhiều mệt mỏi và khó khăn khi đi khám theo chế độ bảo hiểm y tế. Những người dân nghèo như chúng tôi rất muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa về mặt tài chính đối với vấn dề bảo hiểm y tế. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào những đổi mới của Luật Bảo hiểm y tế mà dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vào tháng 6 này. Vậy Bộ trưởng có thể cho chúng tôi biết những đổi mới đột phá của Dự thảo Luật sửa đổi lần này là gì? Liệu bảo hiểm y tế có thiết thực hơn với người nghèo như chúng tôi hay không?
Luật lần này có những sửa đổi bổ sung chính có lợi cho người dân, đặc biệt là của người nghèo. Có những điểm sửa đổi chính: Thứ nhất, thực hiện mua Bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình, như vậy càng nhiều người tham gia thì mức đóng càng giảm xuống.
Thứ 2, mức đóng giảm hẳn. Theo đó, bỏ hẳn đồng chi trả với người nghèo. Đối với ngườicận nghèo trước đây phải đồng chi trả 20% thì giảm xuống còn 5%. Với thân nhân của người có công thì không phải đồng chi trả hoặc chỉ đồng chi trả 5%.
Nội dung đổi mới thứ 3 là việc thông tuyến kỹ thuật đối với từ tuyến xã lên tuyến huyện từ 1/1/2016, người dân, đặc biệt là người dân nghèo và sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo được quyền khám chữa bệnh thông tuyến, từ xã lên huyện, lên tỉnh và lên đến tuyến Trung ương... Chúng tôi cũng thiết lập đường dây nóng tại các tuyến huyện, tỉnh, trung ương để phản ánh những phàn nàn của người dân về thái độ, quy trình và đã xử lý buộc thôi việc, cảnh cáo, trừ thưởng... đối với những cán bộ y tế không làm hài lòng người bệnh.
- Một người dân khác hỏi: ”Tôi có con nhỏ nên thường phải đi mua thuốc khi cháu bị bệnh, nhưng tôi nhận thấy giá thuốc Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Bộ trưởng có thể cho biết nhận định của tôi có đúng hay không? Và tại sao? Thêm nữa, tôi thấy giá thuốc thời gian qua vẫn tăng nhiều? Bộ trưởng cho biết thực tế tình hình giá thuốc và thị trường dược phẩm trong thời gian qua?
Những khảo sát của một đoàn liên ngành gồm: Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội đi khảo sát 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy rằng giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 – 2 lần, và thấp hơn của Thái Lan từ 2,5 -3 lần. Viện Chiến lược chính sách cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế Thế giới khoảng 3.000 mặt hàng thì thấy những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn đối với thuốc biệt dược bên ngoài thì mức tăng trung bình. Đối với thuốc Bảo hiểm y tế, chúng tôi đã thực hiện theo những phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc.
Với thuốc bán ở ngoài các quầy thuốc tự do thì phải theo quy luật thị trường, tuy nhiên, liên bộ gồm có: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu, các nhà thuốc đó phải niêm yết công khai giá đó và theo cạnh tranh, nếu nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc Bảo hiểm y tế thì chỉ được mức lời tối đa từ 5-15%.
- Thời gian qua, liên bộ Y tế và Tài chính đã ban hành các quy định mới về đấu thầu thuốc. Theo dữ liệu thống kê cho thấy, các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giúp giảm giá thuốc 20-30%. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến của dự luận cho rằng giá thuốc giảm nhưng chất lượng thuốc có được đảm bảo hay không? Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Câu hỏi này cũng rất là xác đáng. Cách đây 2 năm, liên bộ đã ra Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh bằng thông tư 36, 37 để khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm do đấu thầu giá rẻ. Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ....
Và mặt khác nữa, chúng ta phải phụ thuôc vào hội đồng bình chọn thuốc trong bệnh viện, nếu có nhu cầu thuốc biệt dược ngoại nhập thì chúng ta vẫn phải đưa vào danh sách dùng trong bảo hiểm. Còn những thuốc không nhất thiết phải nhập thì chúng ta đấu thầu theo những nguyên tắc như vậy. Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm nay từ khi làm Luật Bảo hiểm, phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế giảm 20-30%. Thứ hai là thuốc nội trong đề án người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt thì tăng lên gấp đôi và người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp.
- Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ quy định đấu thầu giá thuốc đối với những loại thuốc tương đối phổ biến và người dân hay phải dùng như kháng sinh. Nhưng có nhiều loại thuốc đặc trị, biệt dược thì không có trong danh sách đấu thầu?
Thuốc biệt dược có giá cao không có trong danh sách bảo hiểm y tế không có vì nhu cầu loại thuốc gì thì do hội đồng thuốc của bệnh viện đó quyết định. Ví dụ như khoa hồi sức cấp cứu hay khoa nhiễm khuẩn nặng thì họ đòi hỏi phải có thuốc biệt dược, hay thuốc như tim mạch, ung thư... thì giá cao vẫn phải nhập và theo quy trình đấu thầu.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc