Lĩnh vực đất đai - môi trường: Mổ xẻ “rào cản” thủ tục hành chính

18:17, 25/06/2014
|

(VnMedia) - Đại diện của 100 doanh nghiệp đã tham gia đối thoại với lãnh đạo Bộ TN&MT về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý, đặc biệt là lĩnh vực đất đai…

 Ảnh minh họa

 Lãnh đạo Bộ TN&MT cùng đại diện VCCI đối thoại với các doanh nghiệp về thủ tục hành chính


Ngày 25/6, Bộ TN&MT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
 
Mục đích của Hội nghị nhằm đối thoại, tiếp nhận và trao đổi về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, qua đó tìm kiếm, đề xuất giải pháp, sáng kiến cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Đại diện của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhiều cơ quan quan trọng như UB Thường vụ Quốc hội và đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tại Việt Nam đã tham dự hội nghị.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các vấn đề trong lĩnh vực TN&MT, nhất là về đất đai, đều rất “nóng”, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Mặc dù Bộ TN&MT đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung 204 TTHC (92,23%), cắt giảm được trên 50% chi phí tuân thủ TTHC, nhưng vẫn có đến 30,8% doanh nghiệp phải trả thêm chí phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ về đất đai. Điều này cho thấy, kết quả cải cách TTHC còn có khoảng cách khá xa với yêu cầu, còn gây tốn kém, phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí vẫn là “mảnh đất” cho tệ quan liêu, tham nhũng và cửa quyền trong quá trình thực hiện các TTHC về đất đai.
 
Còn theo ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực VCCI, TTHC là rào cản rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp thời gian qua. “Hàng ngày, hàng giờ các TTHC vẫn tiếp tục phát sinh, nhiều qui định bất cập ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh” – ông Dũng nói.
 
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, nếu đơn giản hóa TTHC thì sẽ tác động rất lớn trong việc giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
 
“Quá trình thực hiện tại địa phương, khi được doanh nghiệp đánh giá lĩnh vực nào là phiền hà nhất thì 27% doanh nghiệp đánh giá thủ tục nằm trong lĩnh vực TN&MT gây phiền hà” - ông Dũng nói.
 
“Nhắc tới giải phóng mặt bằng (GPMB) thì cơ quan nhà nước ngán ngẩm, doanh nghiệp cũng ngán ngẩm. Chủ tịch tỉnh còn nói với chúng tôi, hơn 50% thời gian giải quyết công việc ở địa phương liên quan tới GPMB.” - ông Dũng nhấn mạnh và thêm rằng, cần có biện pháp kiểm soát giá thuê đất, tránh tăng quá nhanh, đột ngột, bởi có dự án “GPMB chưa xong mà chính sách thay đổi tới 3 lần, ảnh hưởng lớn tới thực hiện”.
 
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế - VCCI cho biết, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là phiền hà nhất so với các loại thủ tục hành chính khác như: thuế, xây dựng, hải quan… Trong đó, các doanh nghiệp cho rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Cụ thể, kết quả khảo sát 219 hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam và gần 8.200 doanh nghiệp tư nhân về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) 2012 do VCCI vừa thực hiện cho thấy, chỉ số MEI của Bộ TNMT chỉ đạt 50,14 điểm, trong đó chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thấp dưới mức trung bình, đạt 4,38 điểm trên thang điểm 10; việc cung cấp thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt 5,53 điểm và việc kiểm tra, rà soát quá trình thi hành pháp luật cũng chỉ đạt 5,15 điểm, thấp hơn nhiều so với tình hình chung.
 
Về mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật, kết quả khảo sát cho thấy, mức độ “rất kịp thời” chỉ đạt 7,23% so với rất chậm đạt 10,84% và chậm đạt 25,30%...
 
Đại diện của VCCI cũng cho biết, trong giai đoạn 2010-2013, với tỷ lệ trung bình cứ 14 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp bị thanh kiểm tra, hoạt động thanh kiểm tra trong lĩnh vực TN&MT, thậm chí việc thanh tra, kiểm tra bị phản ánh là “gánh nặng” cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hơn 55% doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện TTHC về đất đai và nguy hại hơn, tỷ lệ đó đang tăng lên theo từng năm.
 
Còn theo phản ánh của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam thì trong tình hình đó, “gần như doanh nghiệp nào cũng từng “không biết gỡ từ bước nào” khi thực hiện các TTHC để triển khai một dự án đầu tư có liên quan đến đất đai”.
 
Theo ông Hiệp, TTHC về đất đai liên quan đến nhiều lĩnh vực, mỗi thủ tục để thực hiện dự án đầu tư liên quan đến đất đai đều mất nhiều thời gian do qui trình phải hỏi ý kiến “đầy đủ ban bệ” một cách trùng lặp cho tất cả các bước đang làm chậm quá trình đầu tư.
 
Sau khi liệt kê hàng loạt thủ tục như “ma trận”, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam nói: “Như thế thì ông nước ngoài làm sao mà vào được, nhìn thì như cô gái đẹp nhưng không thể chạm vào được.”
 
Bộ TN&MT cần Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cũng thừa nhận, bản thân Bộ TN&MT cũng không thể một mình giải quyết được vấn đề TTHC mà cần phải có sự thay đổi của cả hệ thống, dỡ bỏ mọi rào cản một cách thiết thực chứ không chỉ xới lên vấn đề tại Hội nghị bởi “Bộ TN&MT chỉ là một mắt xích rất nhỏ.”
 
Luật sư Nguyễn Hưng Quang thay mặt cho một số  khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, điều cần làm trước hết là tập trung tăng cường thực hiện “một cửa” để rút ngắn thời gian nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chờ ý kiến các cơ quan chức năng khi thực hiện TTHC về đất đai.
 
Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp, đại diện Bộ TN&MT cho biết, các tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua sẽ được Luật Đất đai 2013 cơ bản giải quyết. Đặc biệt, những đổi mới trong xác định giá đất sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. “Bộ TN&MT sẽ cùng các đơn vị liên quan đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cũng như giảm phiền hà cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cũng khẳng định, sau thời gian tập trung cho việc xây dựng luật, tới đây, Bộ sẽ thực hiện quyết liệt công tác cải cách TTHC nhằm mang lại sự thuận lợi, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực TN&MT.
 
“Ví dụ như khách sạn Kim Liên, họ thông báo tiền thuê đất 3,1 tỷ vào năm 2009, đến 2011 tăng lên 9,3 tỷ, 2012 là 32,9 tỷ, năm 2013 xuống hơn 10 tỷ rồi năm 2014 lại là 19 tỷ. Từ chỗ làm ăn hiệu quả, thì giờ trả tiền đất là hết” - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc