Hải quan cũng có quyền dừng phương tiện vận tải

15:53, 28/06/2014
|

(VnMedia) - Theo quy định mới của Luật Hải quan vừa được Quốc hội thông qua, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa (TT)


Theo đó, tại Điều 89 quy định về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cơ quan hải quan có quyền xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hải quan đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan hải quan, công chức hải quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Về quy định này, trước khi Luật Hải quan được thông qua, cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn. Theo đó, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về thẩm quyền “tạm giữ người, áp giải người” của hải quan để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền của hải quan trong việc dừng phương tiện vận tải để kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội thì phạm vi hoạt động của cơ quan hải quan là khu vực đặc thù liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ... nếu không quy định cho phép lực lượng hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong thực tế, Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định việc tạm giữ người trong hai trường hợp là nhằm ngăn chặn ngay hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác. Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự tuy quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc khởi tố, điều tra đối với tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không quy định giao thẩm quyền tạm giữ người vi phạm cho công chức hải quan . Bên cạnh đó, Luật hải quan hiện hành cũng không cho phép cơ quan hải quan có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải để kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, kể cả trong địa bàn hoạt động hải quan. Vì vậy, ngay trong địa bàn hoạt động hải quan thì lực lượng hải quan cũng khó có thể ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành vẫn giao cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới . Như vậy, các quy định nêu trên chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của lực lượng hải quan.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định địa bàn hoạt động hải quan trên các vùng biển Việt Nam, vì cho rằng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ có thể kiểm soát trong vùng nội thủy, vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định của Luật biển Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì ngoài vùng nội thủy, vùng lãnh hải, Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác vì mục đích kinh tế tại vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, nếu trong các vùng biển này xuất hiện yêu cầu về kiểm tra hải quan thì cần phải giao cho cơ quan hải quan thực hiện. Đây là thực tiễn đang diễn ra tại một số địa điểm trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, như địa điểm khai thác dầu khí, xuất khẩu dầu thô...

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quy định này cũng là kế thừa quy định của Luật hải quan hiện hành. Như vậy, dự thảo Luật quy định việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan, bao gồm cả các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam là bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan, phù hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn quản lý về hải quan. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như trong dự thảo Luật.

Luật Hải Quan (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc