Giám sát vốn ODA, tránh nợ cho thế hệ sau

06:05, 10/06/2014
|

(VnMedia) - "Phải giám sát để đảm bảo được việc quyết định dùng ODA đúng và sử dụng có hiệu quả, tránh việc chúng ta để lại cho con cháu trả nợ lâu dài” – đại biểu tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga đề xuất…

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Nhiều đại biểu đã đề nghị giám sát về tình hình oan sai, việc sử dụng vốn ODA…
 
Giám sát tình hình oan sai

Là người phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị giám sát về tình hình oan sai trong các hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
 
“Trong chuyên đề này, tôi đề nghị đồng thời với việc giám sát thực hiện Luật Tố tụng hình sự cần giám sát hoạt động tố tụng hành chính, vì đây là vấn đề cần quan tâm, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao Luật Tố tụng hành chính không đi vào được cuộc sống, vì sao nhân dân chưa yên tâm, chưa tin trong việc đưa ra Tòa hành chính xem xét, phán quyết các quyết định hành chính được cho là không đúng luật. Phải tìm cho được những giải pháp để tháo gỡ, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính hiện nay, đồng thời cũng góp phần để xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
 
Đồng tình với đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) - Trà Vinh cho rằng, tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước là một chuyên đề thực sự bức xúc trong hoạt động tố tụng hình sự.
 
Dẫn hai câu "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" và "ai ở trong chăn mới biết chăn có rận", đại biểu Nguyễn Thị Khá phân tích: Người ngồi đằng sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường có ít nhất 5 cái mất: mất về vật chất, mất về tinh thần, mất về sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà, nát cửa. Trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những mất ấy thì người bị oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công. Đó là đi tìm làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ, làm đúng, làm ngay thì mới mong tìm thấy được công thứ hai, đó là công lý.
 
Trong khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một quyết định hay một bản án nào đó thì phải tiếp tục đi tìm công thứ ba, đó là công bằng để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan và mòn mỏi đợi chờ và để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt.
 
“Trải qua trong 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó thì quả thật là một gian nan không dễ chút nào” – đại biểu Nguyễn Thị Khá kết luận và đề nghị Quốc hội giám sát hoạt động tố tụng hình sự trong năm 2015, để Hiến pháp năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Tuy nhiên, không phải đại biểu nào cũng đồng ý giám sát chuyên đề này. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đặt câu hỏi: “Án oan sai của Việt Nam không biết có đến 1% hay không mà hậu quả "đầu ra" của giám sát này là cái gì? Tôi nghĩ nếu chúng ta muốn làm cái này thật thì một là chúng ta phải giám sát xem quá trình đền bù oan sai như thế nào, chúng ta có làm đúng hay không. Chứ bây giờ các vụ dàn xếp rồi thì làm sao chúng ta lục lại được các hồ sơ những vụ bình thường, chúng ta đếm xem oan sai bao nhiêu phần trăm? Tôi nghĩ rất là khó và tôi đề nghị chuyên đề này giao cho Ủy ban tư pháp làm, báo cáo trước Quốc hội và chúng ta thảo luận."

Ngoài đề nghị giám sát chuyên đề về oan sai, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014. Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đây là một trong những vấn đề lớn đã đặt ra trong quản lý tài nguyên đất đai trong thời gian vừa qua và đây cũng là nơi khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại trong thời gian vừa qua, cần có sự giám sát để tìm ra được các giải pháp tích cực về chính sách khắc phục trong thời gian tới.
 
Đồng ý với đề xuất này, Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng phân tích: đất đai nói chung đã được Hiến pháp, Luật Đất đai quy định rất cụ thể và chặt chẽ nhưng việc quản lý, sử dụng còn quá nhiều tồn tại. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai ở các nông, lâm trường diễn ra khá phổ biến, ở nhiều địa phương,..
 
Trong khi đó, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng, trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng” hiện nay thì vấn đề phải giám sát làm sao để có những cứ liệu, những kết luận xác đáng cho việc điều chỉnh chiến lược kinh tế để chuyển đổi nền kinh tế theo một hướng độc lập, không bị phụ thuộc vào nước ngoài.

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga

Cần giám sát việc sử dụng vốn ODA
 
Là người luôn đưa ra những đánh giá sắc sảo và những đề nghị rõ ràng, tại phiên họp này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị Quốc hội giám sát về việc quyết định quản lý và sử dụng ODA. Lý do được đại biểu tỉnh Thái Nguyên đưa ra là dù đã trải qua hơn 20 năm sử dụng ODA nhưng cho đến nay, hành lang pháp lý cơ bản vẫn ở tầm nghị định, trong lúc đó các tác động của ODA cực kỳ lớn.
 
‘’Chúng tôi cho rằng phải giám sát để đảm bảo được việc quyết định dùng ODA đúng và sử dụng có hiệu quả, tránh việc chúng ta để lại cho con cháu trả nợ lâu dài” – đai biểu Lê Thị Nga nói và thêm rằng, giám sát tối cao về quản lí, sử dụng, quyết định sử dụng ODA là thể hiện Quốc hội cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về việc sử dụng đồng vốn này.
 
Dẫn chứng từ những vụ tiêu cực liên quan đến các PMU trước đây, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ cách đây mấy năm, vụ JTC về đường sắt gần đây và một vài vụ khác cho thấy mỗi một vụ việc đều kết thúc bằng một vụ án hình sự. Kết thúc thì có người bị vào tù, có người bị kỉ luật. Nhưng những bất cập trong quy trình quản lí sử dụng ODA mặc dù có những cải tiến nhưng cho đến nay vẫn còn. Đó chính là những lí do dẫn đến các vụ tiêu cực. Tuy rằng cứ cách một số năm nhưng mà vẫn có tính chất nối tiếp, đây là một sự thật mà chúng ta phải xem xét để có cách giám sát để xử lí.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc