(VnMedia) - Chiều qua, tại phiên thảo luận về Luật Hộ tịch, đại biểu đoàn thành phố Hà Nội – Giám đốc CA Thành phố Nguyễn Đức Chung đã phân tích về cách bảo mật thông tin cá nhân và kết luận hoàn toàn có thể yên tâm về điều khoản này này.
Trong các phiên thảo luận trước tại tổ, nhiều đại biểu đã băn khoăn về khả năng bảo mật thông tin cá nhân của người dân khi được cập nhật vào các hệ thống máy tính để hình thành mã số định danh. Tại phiên họp chiều qua, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cũng cho rằng, để bảo đảm việc quản lý bí mật thông tin cá nhân như dự thảo luật định hướng đến, dự thảo luật cần quy định rõ hơn nguyên tắc về cập nhật, tiếp cận, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Trước những băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang xây dựng hệ thống điện tử hóa toàn bộ quản lý nhân hộ khẩu của lực lượng cảnh sát khu vực thành dữ liệu điện tử. Cách làm là thuê hệ thống Server của nhà mạng và nhà mạng kéo các đường truyền cho Công an Hà Nội. Công an Thành phố chỉ phải tự trang bị máy tính cho cảnh sát khu vực để nhập dữ liệu. Nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm về bảo mật cả phần cứng và đường truyền.
Về phần bảo mật liên quan đến người sử dụng, hiện Công an Thành phố đang sử dụng công nghệ điện toán đám mây và toàn bộ được chạy trên nền tảng cơ sở dữ liệu của hãng Oracle, khi viết các phần mềm được phân ra nhiều phân hệ quản lý khác nhau và theo ông, phân hệ quản lý việc bảo mật này hoàn toàn chúng ta yên tâm.
Theo đó, đối với từng cảnh sát khu vực sẽ mã hóa đối với bộ máy tính của cảnh sát khu vực nào, tên như thế nào thì người đó mới cập nhật được. Toàn bộ các dữ liệu ổ cứng cũng như của máy tính đó đều được mã hóa để bảo mật. Mỗi người sẽ được cấp một Password và 12 chữ số phải nhập trong 30 giây, nếu như trong 30 giây không nhập được thì phải nhập lại lần thứ hai và nếu qua 3 lần thì không nhập được, trung tâm phải cấp lại thì mới nhập được.
“Ngoài ra, sau khi cảnh sát khu vực nhập xong thì phó phường kiểm tra toàn bộ dữ liệu và đến trưởng phường kiểm tra toàn bộ dữ liệu đó, sau đó enter hệ thống dữ liệu đó chính xác thì mới chạy vào máy chủ để quản lý. Với công nghệ hiện nay có thể đảm bảo bảo mật được.” – đại biểu Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - đại biểu thành phố Hà Nội |
Trong khi đó, vấn đề khiến Giám đốc Công an thành phố Hà Nội băn khoăn chính là vấn đề đảm bảo hạ tầng cho việc cấp số định danh cá nhân.
“Đề án 896 xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là cơ sở nền tảng gốc để sau đó phân cấp phục vụ cho các ngành khác, phục vụ xây dựng một Chính phủ điện tử. Nếu như chúng ta xây dựng cấp số định danh cá nhân từ khi khai sinh, có nghĩa là chúng ta cũng phải tiến tới kéo đường truyền cáp quang cho đến hơn mười ngàn xã và trang bị, thiết bị đầu, hệ thống máy tính.., liệu thời gian hơn một năm nữa chúng ta có triển khai kịp việc này hay không? nếu như quyết định như vậy dự án sẽ tốn kém như thế nào?” – đại biểu Nguyễn Đức Chung nêu vấn đề.
Liên quan đến việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, hồ sơ rất phức tạp, giấy tờ do cơ quan thẩm quyền cấp bằng tiếng nước ngoài qua các nước hợp pháp hóa lãnh sự mới có giá trị pháp lý để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam. Việc này đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có trình độ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vì vậy, các đạ biểu e ngại trình độ ngoại ngữ của cán bộ tư pháp cấp huyện hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu. Các đại biểu đề nghị giữ nguyên thẩm quyền giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho sở tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần thực hiện quyết liệt hơn Đề án 896 và tiếp tục rà soát khắc phục sự chồng chéo giữa các giấy tờ của công dân.
Ý kiến bạn đọc