(VnMedia) - Sáng nay (4/6), Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trước Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư |
Thẩm tra về Dự thảo Luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự án Luật Đầu tư có nhiều điều cần xem lại vì một số điều chưa chưa mang tính đột phá, còn có những quy định rườm rà gây phiền hà cho các nhà đầu tư.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, quá trình thẩm tra dự thảo Luật Đầu tư cho thấy, về quyền tiếp cận ngoại tệ quy định tại Điều 16, ngoài những ý kiến thống nhất với quy định thì có nhiều ý kiến đề nghị rà soát các cam kết quốc tế của Việt Nam và cân nhắc thu hẹp các đối tượng được bảo đảm cân đối ngoại tệ.
Đồng ý với loại ý kiến này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần thu hẹp các dự án bảo đảm cân đối ngoại tệ và nghiên cứu tiến tới bỏ quy định này để tránh những tác động đến dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá. Ngoài ra, cần quy định cụ thể các loại dự án bảo đảm cân đối ngoại tệ công khai, minh bạch.
Đặc biệt, đối với quy định về ngành nghề, địa bàn đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật còn quá chung chung không rõ địa bàn được ưu đãi đầu tư; ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề bị cấm đầu tư.
“Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định như dự thảo Luật chưa mang tính đột phá so với Luật hiện hành, chưa cụ thể, rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật.” - Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu nói.
Để thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết theo Hiến pháp mới và tạo sự minh bạch trong thực thi, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát để quy định chi tiết địa bàn ưu đãi đầu tư, ngành, nghề đầu tư có điều kiện và ngành, nghề cấm đầu tư ngay trong Luật.
Về ưu đãi đầu tư, có một số đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết trong Luật các ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới, sản xuất vật liệu mới, năng lượng sạch...
Còn theo Ủy ban Kinh tế, Luật đầu tư không thay thế được các luật chuyên ngành về quy định nội dung chi tiết về ưu đãi đầu tư, vì vậy, đối với Luật đầu tư chỉ quy định các hình thức ưu đãi như trong dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, Ủy ban kinh tế cho rằng, một số quy định liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư còn chung chung, chưa bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát và trên cơ sở tổng kết đánh giá các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành và đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư mới, toàn diện hơn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích quốc gia trong từng thời kỳ.
Về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Điều 42 và thủ tục thông báo đầu tư quy định tại Điều 43, một số đại biểu nhất trí với quy định về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục thông báo đầu tư như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc bãi bỏ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là việc quản lý dòng vốn thực đưa vào đầu tư. Vì vậy, đề nghị vẫn giữ quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như Luật đầu tư hiện hành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến cho rằng các dự án đầu tư vào hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhận đầu tư, vì vậy, việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án này là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.
Đối với quy định thủ tục thông báo đầu tư trong dự thảo Luật, về bản chất là một loại giấy phép, các quy định này chưa thể hiện được bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính như mục tiêu sửa đổi luật. Hơn nữa, bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thông báo đầu tư không làm mất đi công cụ quản lý của nhà nước bởi các cơ quan quản lý vẫn có thể thực hiện chức năng của mình thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật quy định. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư trong nước quy định tại Khoản 1 Điều 42 và quyết định đầu tư ra nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 66, ngoài những ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Luật thì nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết những dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến cho rằng để tạo sự minh bạch thì cần quy định những loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong Luật. Đồng thời với các ngành, lĩnh vực đặc thù như: dầu khí, viễn thông, năng lượng nguyên tử, truyền tải điện... chỉ thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp Trung ương để bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý sai phạm.
Ngoài ra, để phù hợp với quy định của Hiến pháp mới liên quan quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (khoản 9 Điều 70 của Hiến pháp), Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc chung để có căn cứ pháp lý về đầu tư cho những đơn vị hành chính này thực hiện.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc