Dự án đường sắt đô thị: Chủ tịch Hà Nội phê bình 3 nhà thầu

11:12, 29/06/2014
|

(VnMedia) - Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê bình 3 nhà thầu vì không nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, chưa chủ động bố trí nhân lực, thiết bị phục vụ thi công....

Ảnh minh họa


Mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã có chuyến kiểm tra hiện trường thi công dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Sau khi kiểm tra, Chủ tịch Thành phố nhận định, công tác GPMB còn chậm, gói thầu đề pô, đường dẫn vào đề pô chưa hoàn thành GPMB. Gói thầu số 1 (tuyến đoạn trên cao) do nhà thầu Daelim thi công, gói thầu số 2 (các ga trên cao) do nhà thầu Posco thi công và Gói thầu số 5 (các công trình kiến trúc đề pô) do TCT xây dựng Hà Nội thi công chưa triển khai thi công theo đúng tiến độ.

Với kết quả đó, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phê bình 3 nhà thầu trên vì không nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, chưa chủ động bố trí nhân lực, thiết bị phục vụ thi công.

Để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn Systra phối hợp thường xuyên và chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ dự án, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và các điều kiện để triển khai thi công các gói thầu còn lại theo tiến độ. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tăng cường đôn đốc, giao tiến độ thi công các gói thầu của dự án, xử lý trách nhiệm nhà thầu vi phạm hợp đồng theo quy định.

Đơn vị tư vấn Systra với trách nhiệm là tư vấn thực hiện dự án (tư vấn thiết kế, tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát thi công…); khẩn trương hoàn thành thiết kế kỹ thuật còn lại của dự án và của gói thầu hệ thống vé, trong đó đặc biệt lưu ý yếu tố kỹ thuật để đảm bảo khả năng tích hợp, sử dụng chung cho các tuyến đường sắt đô thị và các hình thức vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt nhanh - BRT. Đơn vị tư vấn này có nhiệm vụ phải đưa ra các yêu cầu chặt chẽ trong hồ sơ mời thầu (về nhân sự, thiết bị, tiến độ thi công nhanh nhất phù hợp thực tế…); tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng và an toàn.
 
Đối với các nhà thầu thi công, Chủ tịch thành phố yêu cầu DaeLim, Posco và TCT xây dựng Hà Nội nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, đồng thời phải tăng cường nhân lực, thiết bị, máy móc, làm thêm ca, thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thi công và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
 
Đối với các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các địa phương có liên quan, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu thực hiện công việc được giao theo đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền, đúng thời hạn.
 
Các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có nhiệm vụ rà soát, bố trí đủ vốn đối ứng năm 2014 cho dự án hiện còn thiếu khoảng 170 tỷ đồng.
 
Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện GPMB, đồng thời chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và UBND các quận có liên quan giải quyết kịp thời vướng mắc về cơ chế, chính sách trong GPMB, tái định cư; phối hợp với UBND các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm xác định cụ thể, chi tiết cho từng trường hợp vướng mắc và có phương án xử lý, nếu vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo UBND Thành phố.

UBND các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các đơn vị, địa phương có liên quan chỉ đạo quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác GPMB, bàn giao mặt bằng đáp ứng tiến độ thi công dự án.

Liên quan đến các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, mới đây, vụ đội vốn tới trên 300 triệu đô la của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã khiến cho dư luận hết sức lo ngại, nhất là số vốn đó lại phải vay từ Trung Quốc. Theo giải trình, các khoản phát sinh lớn nhất tại dự án là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 25 triệu USD)... Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám đã phân tích, xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư với lý do chi phí thiết bị xây dựng tăng giá là không thể chấp nhận được, bởi đó là mức giá bỏ thầu nên không được coi là yếu tố bị ảnh hưởng và được điều chỉnh. Về giải phóng mặt bằng có thể xem xét nhưng phải có giải trình cụ thể.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc