(VnMedia) - Chiều 4/6, Quốc hội đã nghe tờ trình cũng như các báo cáo thẩm tra về hai dự án luật, đó là Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại Tờ trình dự án Luật Hộ tịch, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội và đề nghị trong giai đoạn hiện nay cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho người dân.
Ông Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp cũng luật tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật căn cước công dân thì Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh, do đó, đề nghị cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình rõ để quy định thống nhất vấn đề này trong Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.
Ngoài ra, liên quan đến việc đơn giản hóa các giấy tờ về hộ tịch khác, Ủy ban pháp luật cho rằng, do ảnh hưởng của cơ chế quản lý đất nước trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau, trong đó có thời kỳ trải qua chiến tranh, thời kỳ quản lý tập trung, bao cấp, nên hiện nay công dân có rất nhiều loại giấy tờ tùy thân. Các loại giấy tờ này cần được rà soát lại, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp để từng bước loại bỏ.
Đồng thời, để việc đơn giản hóa các giấy tờ và thủ tục hành chính cho công dân đạt kết quả (giảm 21/46 thủ tục hành chính và bỏ hầu hết các giấy tờ về hộ tịch) thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thành của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đặt ra trong Đề án số 896. Theo Ủy ban Pháp luật, điều quan trọng là Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện đúng hoặc sớm hơn lộ trình hoàn thành Đề án này, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương thì mới có thể loại bỏ được giấy tờ, thủ tục không cần thiết trong công tác quản lý.
Về lệ phí hộ tịch quy định tại Điều 11, ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc không thu lệ phí trong các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ. Đối với các trường hợp khác, khi đăng ký hộ tịch thì phải nộp lệ phí. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu, rà soát để quy định phù hợp với Hiến pháp như những việc hộ tịch nào thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước thì không được thu lệ phí. Ngoài ra, việc miễn lệ phí cần phù hợp với chính sách khuyến khích việc đăng ký hộ tịch đối với đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Do đó, đề nghị rà soát để quy định theo hướng mở rộng hơn nữa phạm vi và đối tượng được miễn lệ phí hộ tịch.
Liên quan đến vấn đề quản lý thông tin cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, các thông tin cơ bản về hộ tịch của công dân như về khai sinh, kết hôn, khai tử... có nhiều thông tin được nêu lại trong các dữ liệu về hộ khẩu, căn cước công dân. Đây đều là vấn đề về quản lý dân cư, nếu để hai bộ quản lý sẽ tạo ra chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí, tốn kém cho Nhà nước và nhất là gây phiền hà cho công dân trong việc kê khai, đăng ký và thực hiện quyền của mình. Do đó, ý kiến này đề nghị Chính phủ giao thống nhất nội dung về quản lý dân cư cho một cơ quan (Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an) thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra về Luật Hộ tịch |
Về Luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Nguyễn Kim Khoa cho biết, Ủy ban QPAN tán thành với việc quy định số định danh cá nhân trong Luật và cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân theo Đề án 896.
Tuy nhiên, để bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khả thi, Ủy ban QPAN cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định cụ thể hơn về phương thức xác lập số định danh cá nhân, thủ tục và thẩm quyền cấp số định danh cá nhân; việc cấp số định danh cá nhân đối với những người đã có chứng minh nhân dân (đã có dữ liệu cá nhân); việc cấp số định danh cá nhân trước và sau khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giá trị sử dụng số định danh cá nhân; thời điểm, phương thức cấp số định danh cá nhân, thẻ (giấy tờ) ghi số định danh cá nhân v.v…
Đối với vấn đề thẻ căn cước công dân, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định cấp thẻ Căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân và được cấp ngay từ khi công dân sinh ra, góp phần đơn giản hóa nhiều loại thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, khó làm giả, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lý nhà nước về dân cư.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về tuổi cấp thẻ và hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân cho phù hợp với quá trình phát triển sinh học của con người Việt Nam nói chung, phù hợp các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân. Một số ý kiến đề nghị quy định nội dung thông tin trên thẻ Căn cước công dân cần phải bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, phù hợp thông tin được xác lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và yêu cầu quản lý nhà nước về dân cư. Có ý kiến đề nghị lấy tên gọi “thẻ công dân” để tránh hiểu lầm giữa căn cước công dân và thẻ căn cước công dân.
Sau khi nghe các ý kiến, Ủy ban QPAN cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng: việc cấp thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật với mục tiêu tiến tới thực hiện quản lý dân cư bằng thẻ công dân điện tử và thông qua việc cấp thẻ Căn cước công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, trong tương lai việc quản lý dân cư sẽ được thực hiện đơn giản, thuận tiện cho công dân, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân hiện nay như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và những giấy tờ khác trong việc giao dịch, đi lại của người dân, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tránh gây phiền hà cho nhân dân, bảo đảm yêu cầu Nhà nước phục vụ nhân dân.
Ý kiến bạn đọc