Đại biểu kiên nhẫn "đòi nợ" minh bạch giá xăng

20:06, 10/06/2014
|

(VnMedia) - Chất vấn tại Nghị trường trong phiên đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị làm rõ việc thực hiện lời hứa với cử tri về minh bạch giá xăng, bời theo đại biểu, tiến trình này vẫn “rất khó hiểu”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính cho rằng việc điều hành giá xăng dầu đã rất tốt...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn Quốc hội


Chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết đã nhiều lần nêu lên phản ánh của cử tri về việc thiếu minh bạch, thiếu tính cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi, về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá, kinh doanh xăng dầu. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Tài chính đã nhiều lần trả lời và đều quy  khá nhiều lỗi cho Nghị định 84. Từ năm 2011 đến nay đã nhiều lần hứa là sớm sửa đổi Nghị định này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

“Tôi đã kiên nhẫn nhiều lần đòi nợ lời hứa này nhưng đến nay không có kết quả. Điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế nêu trên vẫn tồn tại và thiệt hại nhất vẫn là người tiêu dùng. Cách sửa Nghị định này cũng rất khó hiểu, cứ mấy tháng đưa ra thảo luận một lần rồi lại để đấy. Đến kỳ họp này lại đưa ra bàn và còn có đề xuất là chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công thương, làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của Bộ Công thương” – Đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn nêu rõ và yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương làm rõ trách nhiệm của mình trong việc không thực hiện lời  hứa trước Quốc hội và trước cử tri cả nước về tiến độ sửa đổi Nghị định 84, nhất là trong thời kỳ Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế để phục vụ phát triển kinh tế thị trường.

Đây cũng là câu hỏi được đại biểu tỉnh Thái Nguyên gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời câu hỏi này, trái ngược với những gì đại biểu Lê Thị Nga nêu ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng Nghị định 84 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng ta đề cao tinh thần điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Trong những năm gần đây, việc điều hành giá xăng dầu rất thường xuyên và đến bây giờ, đồng bào và nhân dân cả nước, các cơ quan đơn vị đã quen với việc giá xăng dầu lên xuống và đây là điểm rất quan trọng. “ – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định..

Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, đã có lúc vì kiềm chế lạm phát, đáng lẽ giá xăng tăng nhưng giữ lại không cho tăng, đến khi thả ra thì bước tăng giá cao, tạo động lực cho lạm phát. Nhưng vừa qua điều hành thường xuyên theo quy định tại Nghị định 84 nên đã tránh cú sốc về giá cả, từ đó tránh tác động đến kinh tế vĩ mô, tránh tác động đến lạm phát.

Nói về điểm thứ 2 trong Nghị định 84, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết ông đánh giá cao quỹ bình ổn giá, cho đây là một cái van để điều  hành xử lý khi giá xăng dầu lên cao, xuống thấp.

“Bản chất là người dân vẫn phải trả đúng giá xăng dầu theo giá thị trường nhưng tránh cú sốc cho nền kinh tế thị trường và lạm phát, chúng tôi đã triệt để sử dụng cái van này. Hơn 10 lần tăng giá năm ngoái, lần nào cũng sử dụng cái van này. Quan trọng là điều hành công khai và minh bạch.” – Bộ trưởng nói.

Ông Vũ Huy Hoàng dẫn chứng, từ quý 3 năm 2013, Bộ Tài chính đã công khai thường xuyên, hàng quý tình hình trích lập, quản lý, sử dụng và số dư đầu kỳ, cuối kỳ của quỹ bình ổn giá xăng dầu trên trang web của Bộ Tài chính và năm nay sẽ tiếp tục công khai giá cơ sở và cách tính giá cơ sở.

Khẳng định đây là cách điều hành như vậy là “rất uyển chuyển, rất tốt”, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận cần phải sửa Nghị định 84 là cần thiết. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sửa Nghị định theo hướng rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở , càng ngắn càng sát thị trường, trước đây từ 30 ngày nay xuống còn 15 ngày, giữa hai lần tăng giá từ 15 ngày xuống còn 10 ngày  và tiến tới trả cho doanh nghiệp tự định giá trên cơ sở hướng dẫn của nhà nước có sự thanh tra, kiểm tra chặt chẽ.

“Vừa rồi chúng ta vẫn còn đang rụt rè, hai Bộ vẫn còn can thiệp vào công bố giá ở từng thời điểm. Tôi cho rằng cần mạnh dạn hơn nữa, giá điều hành hàng ngày còn tốt hơn là 10 ngày hay 15 ngày điều chỉnh một lần.” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bộ Công Thương quản lý giá xăng: Cần thận trọng

Về lý do điều chuyển cơ quan quản lý giá xăng dầu thường xuyên từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là công việc “bình thường” vì Luật giá quy định như vậy. Theo đó, Bộ Tài chính quản lý về giá, thanh tra, kiểm tra, các Bộ quản lý ngành sẽ điều hành giá cụ thể theo sự phân công của Chính phủ.

Tuy nhiên, tham gia trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bản thân Bộ Công Thương không muốn việc điều chỉnh này và muốn đề xuất với Chính phủ duy trì việc Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì việc điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp như hiện hành.
 
“Thật ra Bộ Tài chính hiện nay cũng không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu mà chỉ là tổ trưởng tổ về điều hành giá xăng dầu. Tổ này là tổ liên ngành của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, có nghĩa là nếu Bộ Công Thương không đồng ý, nhất trí thì Bộ Tài chính phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để quyết định việc điều chỉnh giá. Ngược lại nếu đổi vai Bộ Công Thương làm đầu mối và Bộ Tài chính phối hợp, Bộ Tài chính không đồng ý thì Bộ Công Thương cũng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ chế liên ngành, không phải một Bộ quyết định được. Tuy nhiên chúng tôi chấp hành quyết định của Chính phủ, nếu phân công chúng tôi làm đầu mối trong điều hành giá thì chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Về minh bạch giá xăng và giá điện, ông Vũ Huy Hoàng cho biết, ngày 23/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 11 về nội dung công khai, minh bạch đối với giá điện và giá xăng dầu, phạm vi rộng hơn phần công khai, minh bạch của Bộ Tài chính.
 
Tái chất vấn về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nga nhận định, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời “khá tốt, đi thẳng vào các vấn đề”. Tuy nhiên, đại biểu Nga trao đổi thêm về việc chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về hoàn toàn cho Bộ Công Thương mà theo đại biểu là “không khách quan”.
 
Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của Petrolimex, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần rất lớn; Thứ hai, Bộ Công thương là cơ quan chủ quản, chủ của cơ quan quản lý cạnh tranh, trong đó có xử lý cạnh tranh về các doanh nghiệp xăng dầu; Thứ ba, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý thị trường, trong đó quản lý thị trường về xăng dầu; Thứ tư, nay lại toàn quyền điều hành giá, dù là toàn quyền một cách tương đối.
 
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ “rất thận trọng khi xem xét vấn đề này.”
 
Về Nghị định 84, ghi nhận những tích cực của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các b, nhưng đại biểu Lê Thị Nga vẫn cho rằng, dù cẩn trọng đến đâu thì cũng phải có thời hạn. “Trong ba năm mà không sửa được một Nghị định thì rất khó khăn trong thực tế điều hành. Chúng tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ xem xét và sớm ban hành Nghị định thay thế này.” – đại biểu Lê Thị Nga nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc