Chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong cả nhiệm kỳ

13:18, 06/06/2014
|

(VnMedia) - Theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, sẽ chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ…

Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý


Sáng nay (6/6), sau khi Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội dã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.

Theo đó, về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đề nghị giữ quy định hiện hành về việc định kỳ lấy phiếu tín nhiệm hàng năm để việc đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên. Có ý kiến đề nghị nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong mỗi nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, đa số ý kiến các thành viên của Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014. Các ý kiến này cho rằng quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết.

Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu, Ủy ban Pháp luật cho biết, trong thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm bởi cho rằng việc quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm khó dẫn đến việc xử lý được cán bộ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Ý kiến khác đề nghị đổi mức độ “tín nhiệm thấp” hiện nay thành “không tín nhiệm”.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật nhất trí với việc tiếp tục quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong Nghị quyết số 35 là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Lý do được đưa ra là vì việc xác định 3 mức này là bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp với đặc điểm công tác cán bộ ở nước ta, bởi lẽ người đang giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trước hết phải là những người đã được đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm lựa chọn khi bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, tùy theo kết quả công tác, hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất đạo đức, lối sống của mỗi người mà mức độ tín nhiệm ở từng thời điểm có thể khác nhau.
 
“Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể coi như bước kiểm tra lại mức độ tín nhiệm mà đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân dành cho người giữ chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm nhằm giúp những những người này nhận biết được mức độ tín nhiệm đối với mình để có cơ sở phấn đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bản thân.” – ông Phan Trung Lý lý giải.
 
Đối với trường hợp người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn có sai lầm, khuyết điểm, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống, làm mai một sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm để xem xét trách nhiệm của những người này. Do đó, trong bước bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải thể hiện rõ thái độ “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm” đối với người giữ chức vụ mà Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã bầu hoặc phê chuẩn. Đây chính là điểm khác biệt giữa quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, người có quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo; người có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân dân bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. 

Ủy ban pháp luật cho biết cơ bản tán thành với cách phân biệt hai mức độ xử lý như quy định trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, trong thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc tổ chức quá nhiều lần biểu quyết về nhân sự trong cùng một kỳ họp (biểu quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm người không được tín nhiệm, bầu hoặc phê chuẩn người mới). Do đó, các ý kiến này đề nghị cân nhắc cả phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ chiều nay (6/6)


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc