Bác đề xuất xây thêm tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM

07:06, 21/06/2014
|

(VnMedia) - Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết không đồng ý với đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc nghiên cứu xây dựng thêm tuyến đường sắt khổ 1 mét chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh hiện tại.

Theo Bộ Giao thông vận tải, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập điều chỉnh Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, Cục Đường sắt Việt Nam lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam nói trên, trong đó có nội dung sẽ nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam theo hướng trước mắt khai thác chạy tàu với tốc độ từ 160km/h - dưới 200km/h, kết hợp chạy chung tàu khách với tàu hàng, có chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng để về lâu dài tiếp tục nghiên cứu nâng cấp tốc độ thiết kế cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu vận tải.

Như vậy, việc nghiên cứu xây dựng một tuyến đường sắt khổ 1 mét chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội – TPHCM hiện tại như đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là không phù hợp với định hướng phát triển đường sắt đã được Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Chiến lược để được phê duyệt, không đề xuất mới những vấn đề không phù hợp với nội dung Chiến lược đã trình Thủ tướng Chính phủ.

"Căn cứ Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt được duyệt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện các đề án, dự án xây dựng đường sắt trên trục Bắc - Nam với nội dung và bước đi thích hợp", văn bản của Bộ Giao thông gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.

 Ảnh minh họa

 Bộ Giao thông vận tải đã bác đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt khổ 1 mét từ Hà Nội - TPHCM. Ảnh: Internet

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu xây thêm tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1m song song với đường sắt hiện tại nhằm đảm bảo nhu cầu vận tải trong 36 năm tới.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có tổng chiều dài 1.726km, khổ 1m, được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tiêu chuẩn kỹ thuật và vận tốc thấp... Hiện tại năng suất chạy tàu tối đa là 25 đôi tàu/ ngày đêm, có một số nút thắt chỉ khai thác tối đa 18 đôi tàu/ ngày đêm.

Từ thực tế trên, để phục vụ nhu cầu vận tải trước mắt và trong tương lai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho phép lập đề án nghiên cứu xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện nay. Việc nghiên cứu nhằm làm rõ sự cần thiết phải xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt song song với tuyến đường sắt hiện tại cũng như lộ trình triển khai và phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt khổ 1 mét từ Hà Nội - TPHCM nhằm đảm bảo nhu cầu vận tải trong thời gian chờ xây đường sắt tốc độ cao.

Cụ thể, phương án điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ GTVT đang xây dựng để trình Chính phủ, mục tiêu giai đoạn đến năm 2020 là ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam hiện tại lên tốc độ chạy tàu bình quân 80-90km/g với tàu khách và 50-60km/g với tàu hàng.

Giai đoạn 2020-2030 sẽ chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc -Nam với tốc độ khai thác từ 160-200km/g. Trong đó ưu tiên xây trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM.

"Đến năm 2050 sẽ phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc - Nam và nghiên cứu nâng cấp tốc độ thiết kế cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu khai thác (dự kiến 300-350km/g). Lúc này tuyến đường cũ (khổ 1m) sẽ chuyển sang vận tải hàng hóa là chủ yếu và tàu khách địa phương", đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc