Vợ chắt chiu tiết kiệm vẫn bị chồng “khinh”

18:21, 18/05/2014
|

(VnMdia) - Nhiều ông chồng dù bất tài, không kiếm ra tiền, không biết cách chăm lo gia đình con cái nhưng lại thích chơi sang,  tiêu xài hoang phí và coi thường những cử chỉ chắt chiu, tiết kiệm của vợ… 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa



Phụ nữ nào cũng mong ước có một người chồng giỏi giang, kiếm được nhiều tiền và cho vợ con một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng không nhiều người có được cái may mắn đó. Đa số phụ nữ chấp nhận có một người chồng bình thường, làm ăn chân chất nhưng biết chi tiêu tiết kiệm để có tiền lo cho con ăn học.
 
Tuy  nhiên, có nhiều người phụ nữ thật bất hạnh khi lấy phải những ông chồng đã bất tài lại còn thích chơi sang, huênh hoang “ta đây giàu có”, tiêu sài hoang phí và thậm chí coi khinh những cử chỉ chắt chiu, tiết kiệm của vợ.
 
Chồng chị Minh là một người đàn ông bình thường, nếu không muốn nói là bất tài. Anh ta làm nhân viên ở một công ty nhà nước luôn làm ăn thua lỗ, với đồng lương “3 cọc 3 đồng”. Thấy thu nhập khó nuôi được con cái học hành trong thời buổi khó khăn, chị Minh đã phải vừa đầu tắt mặt tối tìm mọi cách kiếm thêm, vừa chắt bóp chi tiêu để dành dụm những khi đau ốm. Trong khi đó, chồng chị lại là một người đàn ông thích ăn ngon, thích thụ hưởng vật chất tiện nghi.
 
“Mỗi khi tôi dọn cơm ra, anh ta toàn bĩu môi chê là: Chỉ có thế này thôi à? Lương thấp tiền ít, thế mà anh ấy luôn đòi hỏi ăn xong phải có đồ tráng miệng tử tế. Đã thế, mùa hè trời chưa nóng, mùa đông trời chưa rét chồng tôi đã đòi bật điều hòa. Thế nhưng, mỗi tháng anh ấy chỉ đưa cho tôi có 2 triệu bạc, mọi khoản chi phí tôi phải tự lo. Cứ nhìn thấy hóa đơn tiền tiện là tôi lại hoa hết cả mắt” – chị Minh than thở.
 
Chưa hết, chính vì lo lắng cho gia đình, chi tiêu tiết kiệm nên chị Minh thường bị chồng dè bỉu, bảo là “đồ nhà quê”, “ki kiệt”.
 
“Mỗi khi ăn cơm xong, tôi thường hay thu dọn thức ăn thừa cất vào tủ lạnh để bữa sau ăn tiếp, nhưng chồng tôi không đồng ý, bắt đổ đi. Thỉnh thoảng được thưởng chút tiền, chồng tôi không đưa cho vợ để thêm thắt tiền đóng học cho con mà ngay lập tức rủ cả nhà đi ăn hàng. Nếu tôi tỏ thái độ xót ruột, muốn ăn ở nhà cho tiết kiệm chồng lập tức mắng tôi với những lời lẽ rất khinh miệt” – chị Minh kể tiếp.
 
Có lần, không nhịn được, chị Minh gắt lên: Anh có đưa tiền cho tôi đâu mà cứ đòi sài sang? Thì lập tức anh ta chửi vợ là “cậy làm ra tiền nên coi thường chồng”. Nhưng chồng chị Minh đâu có biết rằng, để đáp ứng những đòi hỏi “chơi sang” của chồng, chị Minh đã phải giật gấu vá vai, vay nợ vòng tròn và lúc nào cũng trong trạng trạng thái “túi rỗng”.
 
Cũng là một người đàn ông thích “khoe mẽ”, chồng chị Hạnh không đến nỗi quá bất tài, nhưng tiền kiếm được cũng chỉ tàm tạm để nuôi con ăn học. Thế nhưng, mỗi khi ra ngoài, anh ta luôn huyênh hoang như thể mình là “đại gia” giàu có.
 
“Cứ mỗi lần đi nhà hàng là chồng tôi lại gọi những món đắt tiền nhất, bất kể là ăn có hợp khẩu vị hay không. Quần áo, dày dép của anh ta cũng phải là đồ xịn. Đã thế, anh ấy cũng bắt tôi phải ăn mặc những bộ quần áo hàng hiệu, và luôn miệng chê vợ là ăn mặc “rẻ tiền. Còn mỗi khi đi đâu ra khỏi nhà mà cần đến taxi, anh ấy luôn gọi loại taxi đắt tiền nhất, và luôn là loại 7 chỗ để “ngồi cho nó thoáng” – chị Hạnh kể.
 
Phong cách “công tử” của chồng chị Hạnh thể hiện mọi lúc, mọi nơi khiến mối quan hệ giữa hai vợ chồng rất căng thẳng. “Tôi cứ nghĩ đàn ông đều muốn có người vợ biết chắt chiu, thu va hà vén cho gia đình, nhưng chồng tôi thì ngược lại. Tôi càng thu vén thì anh ấy càng coi thường, thậm chí khinh thường vợ. Anh ta bảo tôi làm cho chồng “mất sang” – chị Hạnh ấm ức.
 
Vợ chồng Thủy thì đều còn rất trẻ, cả hai chưa đến 30 tuổi. Tuy nhiên, Thủy sinh ra trong gia đình công chức bình thường, có lối sống giản dị nên cô luôn biết cách chi tiêu hợp lý, không quá chắt bóp nhưng cũng không hoang phí. Trong khi đó, chồng Thủy dù cũng sinh ra trong một gia đình có kinh tế không mấy dư dả, nhưng do là con trai út, được chiều chuộng từ nhỏ nên có lối sống luôn “bóc ngắn cắn dài”.
 
Do chưa từng phải lo nghĩ về kinh tế nên với vài triệu lương mỗi tháng, nhưng chồng Thủy luôn tiêu tiền như không biết có ngày mai. “Hồi còn yêu nhau, em thấy anh ấy tính tình rộng rãi phóng khoáng thì rất thích, nhưng không ngờ bây giờ lại trở nên khổ sở về cái tính ấy.” – Thủy chia sẻ.
 
Theo lời Thủy kể thì vì rất yêu vợ nên chồng cô luôn tìm tòi mua cho vợ những món quà độc, lạ, bất kể nó tiêu tốn của anh bao nhiêu tiền và những món đó có thực sự cần thiết hay không. Chỉ có điều, sau khi mua những món đồ đó thì đến cuối tháng, anh nhăn nhó bảo vợ là “hết tiền” và không nộp lương cho vợ nữa.
 
Lúc đầu, Thủy cũng hơi khó chịu nhưng cố nhịn vì nghĩ chồng làm như vậy cũng là vì yêu mình. Nhưng khi có bầu và sắp sinh em bé mà trong túi chẳng có chút tiền tiết kiệm nào thì Thủy bắt đầu lo lắng. Khi vợ chia sẻ chuyện này, anh chồng trẻ không những không thông cảm mà còn quay sang thở dài, bảo là “vợ làm mất hết cả hứng” và “cuộc sống chẳng còn gì là lãng mạn nữa”. Gần đây nhất, chồng cô còn buột miệng: “Em cứ tính toán thế, thảo nào mau già”, khiến Thủy vô cùng tủi thân.
 
“Chả nhẽ em cũng mặc kệ, đến đâu thì đến. Đẻ con ra mang về cho ông bà nội nuôi?” – cô vợ trẻ bức xúc.
 
Để đối phó với những ông chồng như vậy, những phụ nữ có kinh nghiệm cho rằng, người vợ cần phải có “mưu”, nếu nhẹ nhàng góp ý, bàn bạc mọi chuyện mà không có kết quả thì giả vờ “mạnh tay” mua sắm, tiêu sài nhiều hơn chồng một thời gian, sau đó suốt ngày than thở đòi chồng đưa tiền. Có lẽ cách này sẽ khiến các ông chồng có thói quen tiêu sài hoang phí giật mình mà nghĩ lại chăng?


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc