Thường vụ Quốc hội không đồng ý giảm tuổi kết hôn

08:32, 28/05/2014
|

(VnMedia) - Như VnMedia đã đưa tin, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đã quy định giảm độ tuổi được phép kết hôn của nam giới xuống bằng nữ giới, là 18 tuổi. Tuy nhiên, chiều 27/5, Thường vụ Quốc hội cho biết đã không đồng ý với sự sửa đổi này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, quá trình lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho thấy có 2 loại ý kiến, trong đó loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo Luật, đó là “Đủ mười tám tuổi trở lên” đối với cả nam và nữ, còn loại ý kiến thứ hai, không tán thành với quy định của dự thảo Luật, đề nghị giữ như quy định hiện hành, đó là “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”.

Theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về độ tuổi kết hôn đã được áp dụng ổn định hơn 50 năm (từ khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1959), phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam cũng như điều kiện để tạo dựng cuộc sống gia đình, không ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam (hiện nay, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng). Quá trình tổng kết thực thi Luật cho thấy, không có khó khăn, trở ngại đối với vấn đề tuổi kết hôn trong thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc giữ quy định về độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành.

Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai



Bỏ quy định cấm kết hôn cùng giới tính

Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính, có ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới như Luật hiện hành; có ý kiến đề nghị cần quy định rõ ràng cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới. Trong khi đó, một số ý kiến đề nghị nên cho phép kết hôn.

Bà Trương Thị Mai cho biết, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, đến nay quan điểm và nhận thức của xã hội về vấn đề này đã thay đổi so với thời điểm thông qua Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định “cấm” thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này, trên cơ sở quy định của Hiến pháp “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của Luật hiện hành và chuyển quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” sang quy định về điều kiện kết hôn.

Mang thai hộ cũng được hưởng bảo hiểm khi sinh

Về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ hơn để  bảo đảm quyền lợi của các bên, tránh lợi dụng thương mại hóa.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị chưa nên quy định vấn đề này, bởi lẽ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, như: việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên, nhất là trẻ em sinh ra trong trường hợp này, việc xử lý các tranh chấp có thể xảy ra. Quy định này liệu có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, vì để thực hiện kỹ thuật này rất tốn kém nên chỉ những cặp vợ chồng có điều kiện mới có thể làm được.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ và hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này.

"Nếu pháp luật không quy định thì do nhu cầu một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục." - bà Trương Thị Mai nói.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật.

Để quy định chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi, sức khỏe của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa... nhiều quy định của Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa.

Theo đó, Dự thảo quy định cụ thể các điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Bổ sung các quy định cụ thể về thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó quy định việc các bên cam kết thực hiện quyền và nghĩa vụ theo Luật định.

Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định quyền của người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo pháp luật lao động và pháp luật bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất là 60 ngày kể từ ngày sinh để đảm bảo sức khỏe sau khi sinh. bổ sung nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ chi trả các chi phí thực tế. Dự thảo cũng quy định quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra, dù bên mang thai hộ chưa giao con cho họ.

Cũng theo Dự thảo, người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm xã hội, được nghỉ hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; bổ sung quy định bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con, nghĩa vụ hỗ trợ cho người mang thai hộ để chăm sóc sức khỏe sinh sản; bổ sung quyền thừa kế theo pháp luật của con trong trường hợp người nhờ mang thai hộ chết; Quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến việc mang thai hộ...

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, còn có nhiều ý kiến khác nhau, do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận kỹ và cho ý kiến - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc