Thượng viện Mỹ sang Việt Nam: sẽ bàn vấn đề gì?

18:25, 26/05/2014
|

(VnMedia) - Bên lề Quốc hội sáng 26/5, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại đã trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến chuyến thăm của đoàn Nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam.

Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trần Văn Hằng trong vòng vây của báo chí


 
 - Thưa ông, ngày mai 27/5, đoàn nghị sĩ Thượng viện Mỹ sẽ sang trao đổi với Quốc hội Việt Nam. Ông có thể cho biết nội dung của cuộc trao đổi là gì?
 
Ngày mai, đoàn của Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ sẽ sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
 
Nội dung sang thăm có nhiều vấn đề, trong đó thứ nhất là tăng cường và thúc đẩy đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; thứ hai là tìm hiểu thái độ cũng như chủ trương của ta đối với vấn đề Biển Đông vừa rồi; Thứ 3, đây cũng là dịp họ sang để tìm hiểu và nắm việc triển khai Hiến pháp 2013 của ta, đặc biệt là vấn đề nhân quyền, nghĩa là quyền con người vì thượng viện Mỹ cũng đang bàn về dự luật nhân quyền của Việt Nam. Vấn đề quan điểm về nhân quyền thì giữa 2 bên còn có nhận thức khác nhau nên các cuộc đối thoại sẽ dẫn đến sự hiểu nhau hơn, xử lý các vấn đề nhân quyền phù hợp hơn với đặc điểm mỗi dân tộc, đặc biệt là đặc điểm nước ta.
 
- Trong nội dung ngày mai, có bàn vấn đề gì cụ thể liên quan đến Biển Đông không, thưa ông?

Về vấn đề Biển Đông, qua quá trình trao đổi thì hiện ở Mỹ đã có phản ứng tích cực. Đã có Chủ tịch thượng viện, hạ viện rồi 6 nhóm nghị sỹ phản ứng. Về vấn đề này, chúng ta vẫn giữ quan điểm bằng mọi biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Lần này họ sang, chúng tôi mong muốn làm cho các nghị sỹ Mỹ hiểu rõ cơ sở pháp lý và lịch sử của chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
 
Thực chất trong các nghị sỹ Mỹ có nhiều nghị sỹ không am hiểu, quan hệ với Việt Nam còn hạn chế vì là các nghị sỹ mới, nên chúng ta phải làm cho họ hiểu cơ sở pháp lý và lịch sử của chủ quyền của mình, để khẳng định chủ quyền ấy, từ đó phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và đề nghị Quốc hội các nước có tiếng nói phù hợp với luật pháp quốc tế.
 
- Hiện Quốc hội Mỹ chưa đồng ý cho Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Vậy trong chuyến đi này, hai bên có đề cập đến vấn đề này không, thưa ông?

Hiện quan điểm về sử dụng vũ khí sát thương và Hiệp định 123 (về hạt nhân dân sự) đã ký và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng nằm trong nội dung trao đổi về vấn đề này. Việt Nam đã đề nghị Mỹ mở cửa để chúng ta tham gia TPP và Mỹ đã đồng ý. Khi Việt Nam đã tham gia TPP thì Mỹ cũng sẽ mở cửa cho chúng ta trong vấn đề vũ khí sát thương.
 
Đã cử 2 sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
 
- Liên quan đến việc Việt Nam vừa cử một số sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông có thể cho biết chi tiết hơn về sự kiện này?
 
Theo đúng quy định, hiện Việt Nam đã cử 2 sỹ quan liên lạc đi Sudan và giờ này chắc họ đã lên đường.  Sỹ quan liên lạc này sẽ làm nhiệm vụ liên lạc giữa các tổ đội của phái bộ của Liên hiệp quốc tại Sudan, chịu sự điều hành của phái bộ do Tổng thư ký Liên hiệp quốc cử.
 
Trong Nghị quyết của Trung ương và Cương lĩnh đã quy định, phải hội nhập quốc tế một cách toàn diện, là một thành viên tích cực có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bởi chúng ta đã là thành viên của LHQ. Thứ 2, chúng ta tham gia để đóng góp trí tuệ cũng như những nghĩa vụ của một thành viên. Thứ 3, tham gia để kết hợp học tập, rút kinh nghiệm, đồng thời hoàn thiện các cơ chế chính sách thuộc nội luật của ta và dần dần nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 
Trong chương trình, dự kiến kỳ 8 này Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tham gia lực lượng gìn gìn hòa bình quốc tế. Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang phối hợp hình thành một đề án. Trước mắt, theo quan điểm của tôi nên ban hành Nghị quyết trước vì làm luật thì chúng ta chưa có kinh nghiệm, thực tiễn chúng ta cũng chưa tham gia mà mới cử 2 sỹ quan tham gia và cũng cần thời gian để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nếu làm luật thì làm xong lại phải sửa.
  
- Thưa ông, những nguyên tắc nào Việt Nam phải tuân thủ khi tham gia lực lượng này ?

Chúng ta đang nghiên cứu nhưng tất nhiên khi đã tham gia phải theo sự điều hành chúng của LHQ. LHQ đã hình thành phái bộ tham gia gìn giữ hòa bình từ năm 1948, có nguyên tắc, điều kiện, qui chế hoạt động và có Bộ tham mưu điều hành chung và chúng ta sẽ thực hiện theo. Có điều chúng ta mới nên thực hiện từng bước một, vừa học tập kinh nghiệm, vừa rèn luyện, vừa đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sỹ nắm được luật quốc tế, qui định của quốc tế, phải có trình độ ngoại ngữ am hiểu để trực tiếp tham gia.
 
- Liệu có lo ngại nào từ phía quốc tế khi Việt Nam tham gia lực lượng nà, ví dụ như e ngại Việt Nam tìm kiếm đồng minh hay liên minh quân sự nào đó?

Hiện không có e ngại gì. Cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh vì vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao và còn có ý kiến, trách nhiệm nên khi Việt Nam tham gia họ rất tin tưởng chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực và đáp ứng các yêu cầu của hoạt động này.
 
- Xin cảm ơn ông. 


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc