(VnMedia) - Trước việc đường ống dẫn nước từ nguồn sông Đà về Hà Nội liên tục bị vỡ, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex đã… đề phòng bằng cách giảm áp lực đầu nguồn. Đây chính là nguyên nhân gây nước yếu, mất nước tại các khu vực cuối nguồn…
Đảm bảo an toàn cho đường ống, dân cuối nguồn... khát
Trong thời gian vừa qua, nhiều khu vực dân cư tại Hà Nội đã khốn khổ trước tình trạng liên tục bị mất nước do vỡ đường ống dẫn nước từ Sông Đà (6 lần). Tuy nhiên, những ngày gần đây, ngay cả khi không xảy ra sự cố vỡ đường ống thì lại có hiện tượng nhiều khu vực nước bị yếu, thậm chí không có nước dẫn về. Đó là chưa kể đến những lần mất nước đột ngột do mất điện tại khu vực nhà máy cấp nước.
Một trong những nguyên nhân được xác định là vì trước những sự cố vỡ đường ống dẫn nước, để đảm bảo an toàn, Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex đã giảm áp lực đầu nguồn.
Điều này khiến cho áp lực nước sạch cung cấp cho hệ thống mạng không đảm bảo, nhất là vào thời điểm nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao do nắng nóng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực dân cư cuối nguồn thuộc địa bàn Hoàng Mai, Thanh Xuân, đồng thời làm giảm lượng nước sạch cung cấp bổ sung cho Công ty Nước sạch Hà Nội phục vụ nhân dân địa bàn Đống Đa, Cầu Giấy.
Sợ vỡ đường ống, Vinaconex đã giảm áp lực đầu nguồn, gây thiếu nước ở cuối nguồn - ảnh: TT |
Phải đảm bảo đủ nước sạch cho dân
Trước thực trạng trên, để hạn chế ảnh hưởng cấp nước sạch tới nhân dân, khắc phục tình trạng mất nước kéo dài xảy ra tại một số khu vực, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng vừa yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Nội tăng cường sử dụng hết công suất các nhà máy khai thác nước ngầm hiện có để bổ sung cho lượng nước thiếu hụt từ nguồn nước mặt sông Đà; bảo đảm cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân, nhất là các cơ quan, bệnh viện, trường học… trên địa bà quận Đống Đa, Cầu Giấy.
Phó Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu Công ty nước sạch Vinaconex phối hợp với Công ty Viwaco, công ty nước sạch Hà Nội nghiên cứu, xem xét việc điều chỉnh hợp lý áp lực đầu nguồn để vừa tăng thêm lưu lượng cấp nước cho khu vực trung tâm, vừa bảo đảm an toàn đường ống, hạn chế thấp nhất xảy ra sự cố.
Với công ty Viwaco, ông Hùng yêu cầu rà soát, lắp đặt các tuyến đường ống kết nối giữa các khu vực ổn định về nguồn nước với các khu vực khó khăn, cuối nguồn đối với các khu vực thuộc phạm vi Công ty quản lý. Công ty Viwaco sẽ phải chủ trì, phối hợp với UBND quận Thanh Xuân làm việc với các đơn vị của Quân chủng Phòng không để xem xét, đề xuất việc lắp đặt ngay tuyến đường ống cấp nước D400 dài khoảng 600m nối từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến Đại Kim để giảm tổn thất, giải quyết cho khu vực Đại Kim.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hủng cũng yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Nội và Công ty Viwaco chủ động rà soát, điều tiết về lưu lượng nước, áp lực, thời gian đối với các khu vực đã có mạng nhưng khó khăn về nguồn nước, bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân, không để mất nước kéo dài; đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thông báo về thời gian cung cấp nước để nhân dân biết, có phương án trữ nước.
Hai đơn vị này được yêu cầu bảo đảm cung cấp đủ nước vào bể chứa cho các công trình nhà cao tầng, không để xảy ra thiếu nước, nhất là đối với các bệnh viện, trường học, nếu thiếu nước phải cung cấp bằng xe téc. Đối với các khu vực không thể có biện pháp để cung cấp nước sạch qua hệ thống mạng đường ống, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu p hải có kế hoạch cung cấp nước sạch cho nhân dân bằng xe téc, không để nhân dân thiếu nước.
Đối với Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Thành phó yêu cầu thành lập bộ phận thường trực thường xuyên phối hợp với các đơn vị cấp nước kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm không để xảy ra thiếu nước kéo dài, đồng thời chỉ đạo Thanh tra xây dựng phối hợp với các công ty nước sạch, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng nước sạch, giảm thất thoát, lãng phí nước sạch.
Về giải pháp lâu dài, Tổng Công ty Vinaconex vừa đề xuất với Thành phố được đầu tư tuyến đường ống số 2 từ Quốc lộ 21 đến đường vành đai 3 theo quy định, đúng thiết kế được duyệt để bảo đảm ổn định nguồn nước mặt từ Nhà máy nước Hòa Bình về Hà Nội, trong đó nghiên cứu, triển khai ngay từ tháng 6/2014 đoạn hơn 10km từ Quốc lộ 21 về sông Tích để giảm áp lực, bảo đảm an toàn cho toàn tuyến đường ống D1600 hiện có.
Được biết, đề nghị này của Tổng Công ty Vinaconex đã được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng đồng ý.
Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư, Thành phố sẽ xem xét, hỗ trợ một phần lãi suất vay đối với phần vốn vay thương mại cho Dự án nói trên.
Ý kiến bạn đọc