Sẽ chỉ được “về một cục” khi đủ tuổi nghỉ hưu

18:32, 26/05/2014
|

(VnMedia) - Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) quy định chỉ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần (về một cục – PV) đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp.

Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội, sẽ sửa đổi quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng chỉ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp.

Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện như quy định hiện hành, được giải quyết ngay khi phục viên, xuất ngũ, nếu không đủ điều kiện để hưởng lương hưu và người lao động có yêu cầu. Ngoài ra, bổ sung quy định giải quyết đối với người mắc bệnh hiểm nghèo.

Lý do được Ban soạn thảo đưa ra là, tính bình quân trong giai đoạn 2007-2012 trong tổng số người được giải quyết chế độ hưu trí thì có khoảng 80% giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng. Hàng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm. Điều này đi ngược với quan điểm của Đảng và Nhà nước là từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Như vậy, việc cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà chưa hết tuổi lao động được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, chưa đảm bảo khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chưa phù hợp với mục tiêu của bảo hiểm xã hội là nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt như người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y thì cần tạo cơ chế để người lao động được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần để có tiền điều trị bệnh tật, nếu người lao động có nhu cầu (kể cả người đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên).
 
Ngoài ra, đặc thù của nhóm lực lượng vũ trang, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự ngắn (18 đến 24 tháng), khi xuất ngũ tỷ lệ làm việc để tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội là rất hạn chế, chủ yếu là lao động tự do và sản xuất nông nghiệp ở địa phương nên khi xuất ngũ đại đa số đề nghị nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, đối với nhóm đối tượng này, dự thảo luật cũng đề nghị vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
 
Đồng ý với việc sửa đổi quy định này, trong phiên họp của Quốc hội chiều 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nêu lên một thực trạng đáng lưu ý, đó là từ năm 2007 đến năm 2013, số người hưởng chế độ BHXH một lần (về “một cục” – PV) tăng nhanh và cao hơn 4,2 lần so với số người hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hàng tháng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai, kết quả này không đảm bảo để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Do vậy, sửa đổi điều kiện hưởng BHXH một lần nhằm hạn chế tối đa việc giải quyết chế độ này như dự thảo Luật là cần thiết. Bên cạnh đó, bổ sung quy định giải quyết BHXH một lần đối với người mắc bệnh hiểm nghèo là hợp lý, thể hiện tính nhân văn của chính sách.

Riêng đối với việc giải quyết BHXH một lần cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, bag Trương Thị Mai cho biết, hiện còn có hai loại ý kiến khác nhau.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc ưu tiên trong giải quyết chế độ BHXH một lần với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang là chưa phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, do vậy, cần quy định để nhóm đối tượng này tiếp tục tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Loại ý kiến thứ hai đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về việc giải quyết ngay chế độ BHXH một lần cho đối tượng thuộc lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu, đa số là thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự (thời gian từ 18 đến 24 tháng), điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH hạn chế, chủ yếu là lao động tự do và sản xuất nông nghiệp ở địa phương nên phần lớn đề nghị nhận trợ cấp BHXH một lần ngay khi xuất ngũ.

Theo Chủ nhiệm Trương Thị Mai, để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, cần khuyến khích mọi người lao động tham gia BHXH. Vì vậy, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị nên quy định theo hướng khuyến khích nhóm này tiếp tục tham gia BHXH, trường hợp có nguyện vọng thì nhận chế độ BHXH một lần.

Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai


Lao động hợp đồng dưới 3 tháng cũng phải đóng bảo hiểm


Theo quy định mới của Dự án Luật BHXH, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản (có ký hợp đồng lao động – PV) cũng sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc.

Về vấn đề này, quá trình thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội cho thấy, một số đại biểu tán thành việc mở rộng đối tượng như trong dự thảo Luật vì hiện nay tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 70% lực lượng lao động nhưng tham gia bảo hiểm tự nguyện với mức thấp, do đó cần phải tạo điều kiện để nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc.

Ngoài ra, kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, để nâng mức độ bao phủ, đa số các nước quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với tất cả những người lao động có giao kết hợp đồng bằng văn bản.

Tuy nhiên, vẫn ý kiến khác chưa tán thành việc áp dụng chế độ BHXH bắt buộc với đối tượng trên vào thời điểm này vì cho rằng sẽ khó khả thi do công tác quản lý đối tượng, thu - chi phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý lao động còn hạn chế.

Đối với vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết, Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH.

Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Tờ trình của Chính phủ không quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm này. Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, nên tạo điều kiện để người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc được tham gia BHXH bắt buộc, trong đó một bộ phận có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở, với chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động, trừ những người đang hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc