(VnMedia) - “Sông Lam gọi, sông Gianh trả lời,… tin thắng trận dồn dập báo về. Anh em ở Mường Phăng ôm lấy nhau mà nhảy cẫng lên, bầu không khí vỡ òa, mọi người khóc như mưa,…” những dòng suy tưởng cứ ùa về người cựu chiến sỹ liên lạc trận Điện Biên Phủ năm xưa khiến ông như nghẹn lại.
Đã 60 năm, những ký ức trận đánh Điện Biên Phủ vẫn chưa phai mờ đối với cựu chiến binh Vũ Lâm, 81 tuổi, nguyên tiểu đội trưởng thông tin liên lạc thuộc tiểu đoàn 303. Cũng như những câu thơ của nhà thơ Anh Ngọc: “Từ chiến trường Điện Biên đến chợ Điện Biên/Mùi trái chín cứ thơm lừng phố núi/Quen thuộc quá đến không còn nhớ nổi/Tình yêu này anh có từ đâu/Đất dưới chân anh, trời thắm ở trên đầu...”
Tôi được gặp ông trong một buổi trưa nắng gắt khi đến thăm khu di tích hầm Đờ Cát. Ở cái tuổi 81, ông còn nhanh nhẹn lắm. Vừa kể cho tôi nghe những kỷ niệm, ông vừa thoăn thoắt mô tả những động tác quấn, chăng dây thông tin, thậm chí băng mình qua lớp hào để tái hiện cảnh xông pha nơi chiến địa năm xưa.
Cựu chiến binh Vũ Lâm vẫn giữ gìn cẩn thận tấm hình chụp cùng với đồng đội |
“Như những con nhện bền bỉ chăng tơ”
Hồi ấy, theo tiếng gọi của non sông, lớp lớp thanh niên cầm súng vào chiến trường đánh Tây. Người chiến sỹ trẻ Vũ Lâm, quê Nam Định nhập ngũ khi mới 18 tuổi, từng tham gia các chiến dịch Tây Bắc, đánh đồn Nà Sản trong vai trò liên lạc viên. Ông lập được nhiều chiến công và được bổ nhiệm chức tiểu đội trưởng khi mới tròn 20 tuổi và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông nhớ lại, hồi đó chúng ta sử dụng ba phương thức thông tin: Điện thoại, Vô tuyến điện, Đường thư được triển khai triệt để và củng cố vững chắc theo phương châm “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống Bưu điện.
Ông Vũ Lâm bên hầm tướng Đờ Cát |
Cơ quan tham mưu thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ do Cục trưởng cục thông tin Hoàng Đạo Thúy làm chủ nhiệm, ngoài ra còn có một phó chủ nhiệm và 4 cán bộ. Đơn vị thông tin trực thuộc Bộ tư lệnh chiến dịch là Tiểu đoàn 303, với quân số 400 đồng chí biên chế thành 3 đại đội thông tin hữu tuyến và 1 đại đội thông tin vận động tín hiệu, 1 đại đội thông tin vô tuyến và 1 tổ cơ động. Được trang bị 2 tổng đài, 80 máy điện thoại, 120 km dây bọc dã chiến, 7 điện đài và máy thu, ngoài ra có một tổ sửa chữa thông tin.
Ông Vũ Lâm cho biết, hồi ấy, các phương tiện của chúng ta còn rất nghèo nàn, nhưng cũng chính nhờ vậy mà anh em đã sáng tạo nên những phương thức truyền thông tin mới mà chưa có bất cứ ai sử dụng trước đây. Các chiến sĩ thông tin liên lạc biết vận dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để lắp đặt và bảo vệ đường dây trong giao thông hào như: đào rãnh chôn dây ở vách hào, đặt dây ở dưới lòng hào và dùng những bó trúc tre phủ lên. Nhằm phòng chống được đạn pháo địch và khi bộ đội ta di chuyển cũng không bị đứt.
Trong điều kiện có ít dây máy, khi dây điện thoại bị đứt, thiếu, bộ đội thông tin có sáng kiến dùng dây thép gai của địch gỡ ra để làm đường dây cho tuyến sau, dành dây bọc cho phía trước, sử dụng các đoạn đường dây sắt của bưu điện Pháp làm trước đây để liên lạc về hậu phương, ngoài ra ta còn liên lạc với Bưu điện địa phương để xin cung cấp thêm dây dẫn.
Vừa chiến đấu vừa liên lạc, các chiến sĩ vụ báo kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ để vận chuyển hàng nghìn bức thư từ hậu phương ra mặt trận, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của các cán bộ và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Đồng thời báo tin chiến thắng về hậu phương.
Người cựu chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã ví von: “lính thông tin chúng tôi như những con nhện, bền bỉ chăng tơ để tạo nên một hệ thống liên lạc xuyên suốt.”
“Đảm bảo mạch máu thông tin luôn thông suốt”
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: ba Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316; trung đoàn 57 (Đại đoàn 304); một đại đoàn công pháo 351. Đây là chiến dịch lớn có sự phối hợp, hợp đồng giữa các quân binh chủng cùng chiến đấu. Vì vậy, nhiệm vụ của bộ đội thông tin trong chiến dịch này rất quan trọng, đòi hỏi phải chính xác, chặt chẽ, bí mật, kịp thời. Việc liên lạc về hậu phương với cự ly gần 400 km đòi hỏi phải luôn thông suốt để đảm bảo đáp ứng kịp thời những yêu cầu cho chiến dịch.
Những mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị bộ đội, công binh, pháo binh làm và bảo vệ đường vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận đến kịp thời chính xác giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi trận đánh diễn ra đòi hỏi thông tin liên lạc luôn thông suốt để các đơn vị cùng hiệp đồng chiến đấu.
Hầm tổng đài điện thoại tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ |
Trong các trận đánh của chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều cán bộ chiến sĩ thông tin đã nêu cao gương chiến đấu dũng cảm không quản hy sinh “vì mạch máu thông tin luôn vững chắc”. Nhiều chiến sĩ hữu tuyến điện, thông tin vận động tín hiệu đã hy sinh anh dũng để giữ vững liên lạc qua của mở vào các cứ điểm, nhiều chiến sĩ bộ đàm đã bám sát các mũi xung kích dù phải chịu thương vong trong khi làm nhiệm vụ. Nhiều cựu chiến binh vẫn còn nhớ hai chiến sĩ thông tin liên lạc là đồng chí thông tin Chu Văn Mùi, Tiểu đội trưởng thông tin Đại đội 127 và đồng chí Đàm Minh Đức, tổ viên nhận lệnh từ mặt trận phía tây Điện Biên về A1 đảm bảo thông tin liên lạc với sở chỉ huy Trung đoàn bằng vô tuyến điện. Hai đồng chí này trên đường đi bị lạc nên phải nhập vào trung đội bộ binh chiến đấu phòng ngự tại mỏm Thia Lia phía Đông Bắc đồi A1. Nằm giữa vòng vây của địch, suốt 2 ngày đêm, hai đồng chí phải nhịn đói, nhịn khát nhưng vẫn kiên cường bám máy vô tuyến điện BC 1.000 liên lạc với cấp trên, gọi pháo binh ta bắn chặn, đồng thời cùng bộ binh đánh bật nhiều đợt xung phong của bộ binh và xe tăng địch.
Ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch, cơ quan thông tin chiến dịch còn tổ chức được điện đài theo dõi liên lạc vô tuyến điện của địch để phát hiện những sơ hở của ta mà địch thu thập được qua việc liên lạc vô tuyến, đồng thời để nắm thêm tình hình địch cung cấp cho cơ quan tham mưu chiến dịch đưa ra những kế hoạch tác chiến trong từng trận đánh. Nhờ đó, mà quân ta chiến đấu giảm bớt được tổn thất về người và của.
Ý kiến bạn đọc