(VnMedia) - Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh, Điện Biên. Trận chiến đấu tại đồi A1 được coi là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, với số bộ đội thương vong cũng cao nhất.
Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh, Điện Biên.
Đứng trên điểm cao nhất của đồi A1, có thể bao quan được toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Do vị trí đặc biệt quan trọng này, quân Pháp đã xây dựng A1 trở hành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Đồng thời Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng.
Cán bộ Sư đoàn 316 về nơi chiến trường ghi lại chiến công oanh liệt của Sư đoàn (Đại đoàn 316).Ảnh: KN |
Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thăng Điện Biên Phủ, chúng tôi thật may mắn khi được gặp các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, trước đây là Đại đoàn 316 - Đại đoàn đã góp công rất lớn đánh chiếm đồi A1.
Cuộc gặp gỡ với các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 trên ngọn đồi lịch sử, tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại rất nhiều cảm xúc.
Nhà báo Nguyễn Đoàn, nguyên TBT báo Bưu điện, chia sẻ: "Thật may mắn tình cờ được gặp cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316 là hậu duệ của Đại đoàn 316 năm xưa cũng đến thăm đồi A1 trong dịp kỷ niệm này...".
Ông Đoàn bồi hồi xúc động nhớ lại nơi cách đây 60 năm, người chú ruột của mình là ông Nguyễn Duy Ninh – Đại đội trưởng đại đội 151 ( thuộc Đại đoàn 316), được vinh dự đứng dưới cờ chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Ninh cũng là người trực tiếp dẫn đại đội sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng, chí không mòn, đã phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh chiếm đồi A1 máu lửa, cam go nhất tại trận chiến Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi “9 năm làm một Điện Biên, nên vòng hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Trong trận đánh lịch sử này, ông Nguyễn Duy Ninh đã được tặng thưởng huân chương chiến công và sau đó được phong cấp tiểu đoàn trưởng.
Nhìn gương mặt còn lắng động sự xúc động, có thể hiểu, thế hệ như nhà báo Nguyễn Đoàn cũng từng kinh qua đạn lửa chiến tranh, nên càng thấm hơn, hiểu hơn về một thời hào hùng của thế hệ “chúng ta đi đất trời bốc lửa/ bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”.
Trên trên hầm của quân Pháp trên đồi A1,có thể quan sát toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Ảnh:KN |
Cũng ở ngọn đồi lịch sử này, tôi nhớ lại chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thắng (Báo Kinh tế & Đô thị) với cuộc gặp gỡ với ông Bế Văn Làn, cựu chiến binh chiến dịch Điện Biên phủ. Ông Làn năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi, ông là chiến sĩ bộ binh của Đại đội 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102 - một trong những đơn vị cùng tham gia đánh đồi A1.
Ngày 31/3/1954, đơn vị của ông Làn được lệnh xung kích đánh vào đồi A1. Khi đó, ngày nào địch cũng bắn pháo tấn công các cứ điểm của quân ta 4 - 5 lần, bom nổ rung trời khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Trước tình thế đó, quân ta tập trung tiến công vào ban đêm. Ông Làn kể, địch giữ được căn cứ kiên cố vì bên trong có hầm ngầm, lại được lực lượng bên ngoài chi viện. Sau 4 ngày đêm chiến đấu ác liệt, sáng sớm 4/4/1954, đơn vị của ông Làn được lệnh rút ra ngoài, vào sâu trong cánh rừng để củng cố, huấn luyện, bổ sung tân binh nhằm chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 2 của chiến dịch…
Nhắc lại kỷ niệm chiến trường xưa, nước mắt ông Làn chực rơi: "Anh em chiến sĩ chiến đấu kiên cường, không ai sợ hy sinh. Có đồng chí bị thương vẫn kiên cường cầm súng, lựu đạn đánh trả địch. Nhưng pháo đạn của địch ác liệt quá, nhiều đồng chí đã nằm xuống ngay dưới chân chúng tôi...".
Quá khứ đã lùi xa, nhưng những vết tích gần như còn nguyên vẹn trên quả đồi lịch sử này, khiến bất cứ ai cũng ngập tràn niềm xúc động. Trên ngọn đồi, một di tích quan trọng là cái hố hình phễu khổng lồ, dấu tích trận nổ khối bộc phá gần 1.000 kg của quân ta mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích các đợt tấn công của quân ta.
Trên đồi A1, tấm bia trên đài kỷ niệm có đoạn ghi: “Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 là một trong những trận oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở đây đã diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt. Các bộ, chiến sỹ ta đã nêu cao gương chiến đấu hy sinh, dũng cảm ngoan cường tranh chấp với địch từng ụ súng, từng đoạn chiến hào. Qua 38 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã 5 lần tổ chức tấn công đánh bại 30 đợt pháo kích của địch. 4 giờ 30 phút sáng 7.5.1954, ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1”.
Thắp hương nơi đài kỷ niệm. Ảnh: Đức Huy |
Theo thống kê trên Bách khoa toàn thư mở, trận đồi A1 đã có hơn 1.000 chiến sĩ đã hy sinh.
Tại đài kỷ niệm, đoàn chiến sĩ, cán bộ Sư 316 đã thắp hương và cùng ôn lại những chiến công oanh liệt trong trận chiến lịch sử tại quả đồi này.
Một cán bộ thuộc Sư 316 cho biết, dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các các bộ, chiến sĩ được vinh dự nhận nhiệm vụ tại Điện Biên, đồng thời đây là dịp để các chiến sĩ trẻ đi học tập, ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị, tri ân những bậc cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tranh thủ gặp gỡ nhau, chụp hình bên các di tích, các chiến sĩ trẻ vui vẻ nói rằng, họ muốn ghi lại quá khứ anh hùng, mà với họ đó sẽ là hành trang trên vai người lính – những người làm nhiệm vụ cao cả bảo vệ Tổ quốc.
Ý kiến bạn đọc