Hai điều Việt Nam có, Trung Quốc không bao giờ có

13:15, 17/05/2014
|

(VnMedia) - Theo phân tích của Thiếu tướng Lê Văn Cương, trong vụ việc giàn khoan 981 nói riêng và các tranh chấp trên Biển Đông nói chung, Việt Nam có 2 điều mà Trung Quốc không bao giờ có, đó là đạo lý và pháp lý.

Ảnh minh họa

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việt Nam không bao giờ liên kết với ai để chống Trung Quóc, nhưng độc lập thì phải giữ.



- Thưa Thiếu tướng, ông nhận xét gì về những điều mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông?

Theo quan sát của tôi, trong thời gian gần đây, năm nào Trung Quốc cũng gây hấn với Việt Nam. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được sống yên ổn. Năm 2001, Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chính của tàu Bình Minh 2, rồi cắt cáp thăm dò địa chính của tàu Viking 2. Họ cũng liên tục xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tất cả ngư dân của Việt Nam chưa bao giờ đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, nhưng họ luôn bị Trung Quốc xua đuổi, thậm chí bắn, bắt… Tiếp đó, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là một hành động xâm lăng về mặt pháp lý, tôi cho là cực kỳ nghiêm trọng.

Mọi cuộc xâm lăng về thực binh và vũ khí nóng đều kết thúc ở chỗ kẻ đi xâm lược phải rút về vị trí cũ, còn xâm lược về pháp lý thì tôi không biết đến bao giờ Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc mới phủ quyết quyết định thành lập Thành phố Tam Sa.

Còn trong một thời gian ngắn này, về hành vi học, Trung Quốc có 3 loại hành vi. Thứ nhất là kéo dàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; thứ 2 là hành vi bạo lực, dùng tàu hải giám, hải cảnh đâm thẳng vào tàu của Việt Nam và phun nước. Đây là hành động không thể chấp nhận được trong thế kỷ này; loại hành vi thứ 3 là lừa dối dư luận, nói rằng tàu Việt Nam bao vây, tấn công tàu Trung Quốc.

Như vậy, trong một thời gian ngắn, họ đã thực hiện 3 loại hành vi vi phạm cả pháp lý, đạo lý.

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Trong một thời gian ngắn,Trung Quốc đã thực hiện 3 loại hành vi vi phạm cả pháp lý, đạo lý


- Theo Thiếu tướng, tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để thực hiện cùng lúc 3 loại hành vi đáng lên án đó?

Theo cá nhân tôi, xa xa là chuyện Ucraina đang khiến cả Mỹ, EU và Nga tốn nhiều công sức. Nhưng cái chính là chuyến đi của ông Obama sang 4 nước châu Á, chủ yếu là Nhật Bản. Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ tuyên bố công khai rằng, Hoa Kỳ sẽ theo điều 51 hiệp định song phương an ninh Mỹ - Nhật để bảo vệ toàn vẹn các vùng lãnh thổ Nhật Bản đang quản lý, bao gồm cả quần đảo Senkaku.

Việc ông Obama tuyên bố công khai như vậy đã làm cho Trung Quốc nhụt chí, không dám gây sự với Nhật Bản vào lúc này. Lúc đầu họ tưởng là có thể “giết khỉ dọa gà”, nhưng nay “khỉ” không giết được thì họ quay ra “giết gà dọa khỉ”.

- Ông nhận xét như thế nào về phản ứng của Việt Nam với những hành động gây hấn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981?

Tất cả những lần trước, phản ứng của Việt Nam và thế giới khác lần này. Những lần trước, Việt Nam phản ứng chưa tương xứng với hành động gây hấn của Trung Quốc. Nhưng lần này, tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rất cương quyết, mạch lạc, nói rõ những hành động của Trung Quốc, kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Tôi đã có 42 năm nghiên cứu Trung Quốc từ năm 1972 đến nay không ngưng nghỉ, nhưng đây là lần đầu tiên trong 3 thập kỷ qua, chưa bao giờ, từ cấp cao đến người dân của Việt Nam có phản ứng một cách mạch lạc cương quyết như vậy. Phản ứng này là cần thiết, đúng đắn. Chính phản ứng của Việt Nam rõ ràng, mạch lạc như vậy đã tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế, cũng chưa bao giờ, trong 3-4 thập kỷ nay, lên tiếng nhanh, kịp thời và cương quyết phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc như vậy.

Ngay cả chuyện 23/11 năm ngoái, khi Trung Quốc thành lập vùng cấm bay trùm lên quần đảo SenKaku của Nhật Bản và 2 quần đảo của Hàn Quốc với diện tích 2.300km2, dù ngang ngược nhưng cũng chưa dấy lên một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế như lần này.

- Theo ông, sức mạnh của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ lần này là gì?

Theo tôi, luận điểm của Việt Nam đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Phản ứng của dân tộc Việt Nam đã cộng hưởng với phản ứng của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình ủng hộ Việt Nam thì cũng có nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong bang giao quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế thì nước nào cũng có 2 nhân tố tạo nên sức mạnh của quốc gia, đó là nhân tố vật chất có thể đong đo đếm được, ví dụ họ có thừa đến 3.900 tỷ đô la nhưng Việt Nam thì không có; ví dụ súng đạn, tàu ngầm, tên lửa… thì chắc chắn Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam…  nhưng trong giải quyết bang giao quốc tế thì yếu tố đó không phải khi nào cũng có tính quyết đinh.

Các dân tộc còn có nhân tố thứ 2 để bảo vệ độc lập, đó là nhân tố văn hóa tinh thần. Người Việt Nam đã 2600 năm nay, bằng một mạch  chảy liên tục với nhân cách hòa hiếu và bao dung, không bao giờ xâm lược nước khác. Lịch sử Việt Nam chủ yếu là lịch sử chống xâm lược, và điều đó tạo ra một nhân cách bao dung hòa hiếu với láng giềng. Nhưng trước kẻ thù xâm lược, người Việt Nam lại bất khuất sáng tạo, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn. Điều này được ghi khắc trong lịch sử các cuộc chiến tranh chống xâm lược của Việt Nam, từ năm 179 trước Công nguyên đến bây giờ.

Ảnh minh họa

Bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, biểu tình chống Trung Quốc tại Pháp - ảnh: ANTĐ


Còn tính về tương quan lực lượng, vào mùa xuân năm 1954, khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, nền  kinh tế của chúng ta lúc đó chỉ bằng 5% của Pháp. Lúc đó Việt Nam chưa làm nổi súng máy, còn Pháp thì đã sản xuất ra máy bay. Nhưng kết cục vẫn có chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1970, GDP của Việt Nam chỉ bằng 1% của Hoa Kỳ, vũ khí thì “khỏi nói”. Và Việt Nam cũng đã chiến thắng.

Trong cuộc đọ sức, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ lần này, Việt Nam có 2 thứ mà Trung Quốc không bao giờ có. Thứ nhất, pháp lý thuộc về Việt Nam trong khi Trung Quốc không có một tí nào cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của họ đối với vùng nước bao chiếm trong đường lưỡi bò. Thứ hai, dân tộc Việt Nam có đạo lý. Cộng đồng quốc tế trong những ngày vừa qua, chưa bao giờ có phản ứng quyết liệt với hành động gây hấn của Trung Quốc như vậy. Điều đó chứng tỏ họ đã chia sẻ với chúng ta sức mạnh đạo lý. Hai điều đó cộng hưởng với sức mạnh vật chất sẽ tạo nên một sức mạnh bất khuất, sức mạnh bất khả chiến bại trước bất cứ một nước nào.

Cái yếu nhất của Trung Quốc là không có cả đạo lý và pháp lý, họ sẽ bị cả thế giới cô lập. Nếu như 8 tỷ người trên hành tinh này cùng một tiếng nói thì họ sống với ai?

Người Việt Nam hòa hiếu và nhân hậu. Chúng ta tiếp tục con đường đối thoại, vẫn xem Trung Quốc là bạn, ghi nhận công lao của nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc trong 70-80 năm qua. Nhưng lúc này, khi họ xâm phạm chủ quyền thì Việt Nam sẽ dùng mọi cách để bảo vệ bằng được.

Tôi có thể khẳng định rằng, Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam cũng không bao giờ liên kết với  nước nào để chống Trung Quốc. Người Việt Nam nói với 1,3 tỷ người Trung Quốc rằng, 1,3 tỷ người Trung Quốc vẫn là bạn của Việt Nam. Việt Nam không bao giờ liên kết với ai để chống Trung Quóc, nhưng độc lập thì phải giữ.

Chúng ta vẫn coi Trung Quốc là bạn và đang tận dụng mọi cơ hội đối thoại, nhưng người Việt Nam không bao giờ từ bỏ các biện pháp khác để bảo vệ chủ quyền.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc