Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân đội giá dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

13:37, 15/05/2014
|

(VnMedia) - Lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa giao các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân gây chậm trễ và làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị đầu tiên, tuyến Cát Linh - Hà Đông, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5/2014.

>>Tuyến tàu điện trên cao đầu tiên đội giá 339 triệu USD

>> Bộ Giao thông nói gì về dự án đội giá 339 triệu USD?

>>Dự án đội giá triệu "đô": 6 năm không xong trụ cầu

>>Điều ẩn giấu sau những dự án đội giá trăm triệu đô

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc thực hiện nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đội giá 339 triệu USD.

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Nội vụ, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội khẩn trương trình thẩm định, phê duyệt thành lập Công ty quản lý đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố theo quy định, bảo đảm tiến độ.

Sở Xây dựng, UBND các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ thi công dự án.

Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố chủ trì, phối hợp với UBND các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông và Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, làm rõ những nội dung chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, nguyên nhân gây chậm trễ và làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng; báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/5/2014.

 Ảnh minh họa

Hệ thống trụ cột của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được xây dựng xong và đang được thi công lắp dầm. Ảnh: VnExpress

Trung tuần tháng 4 vừa qua, sau khi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông lên 891 triệu USD, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ này và UBND TP Hà Nội kiểm điểm làm rõ nguyên nhân.

Phó Thủ tướng, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh dự án.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải, đã nêu ra 9 nguyên nhân dẫn đến dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đội giá lên 339 triệu USD.

Đề cập đến những khoản chi phí đẩy tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 339 triệu USD, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc thay đổi phương án thay đổi thiết kế ga 2 tầng thành 3 tầng đã khiến chi phí tăng thêm 84,2 triệu USD (trong đó: tăng do trượt giá: 43,5 triệu USD, tăng do thay đổi quy mô: 40,7 triệu USD).

Việc bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot cũng khiến chi phí tăng thêm 13,54 triệu USD. Việc xây dựng đường tránh Quốc lộ 6 cũng phải bổ sung chi phí là 1,94 triệu USD. Hay việc quyết định đổi vật liệu thân vỏ tàu cũng mất thêm 3,19 triệu USD.

Ngoài ra, việc thay đổi phương án thi công dầm cần phải bổ sung kinh phí (thuê bãi,huy động thêm thiết bị đúc và lao lắp dầm) khoảng 10,16 triệu USD. Các thay đổi chính về biến động giá, thay đổi chế độ, chính sách cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở nên dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 95 triệu USD.
 
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài cũng dẫn đến tăng chi phí; chi phí xây lắp tăng dẫn đến chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại (cho phần vốn dự kiến vay thêm) cũng tăng theo dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 88,3 triệu USD.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 Cát Linh- Hà Đông, có chiều dài toàn tuyến khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao. Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
 
Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.

Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở  từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến...


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc