Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài: Người nước ngoài không được cư trú tại khu vực biên giới

06:13, 24/05/2014
|

(VnMedia) - Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã quy định: người nước ngoài không được cư trú tại khu vực biên giới; không cho phép nhập cảnh nếu không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh…

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã quy định: người nước ngoài không được cư trú tại khu vực biên giới - ảnh minh họa


Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Hồng Sơn, sau khi xin ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến vào việc xây dựng luật, đồng thời giải trình về một số vấn đề khác.

Phải có người mời mới được nhập cảnh vào Việt Nam

 Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Hồng Sơn, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định người nước ngoài vào du lịch thì không cần cơ quan, tổ chức bảo lãnh, trong khi ý kiến khác đề nghị quy định phải chứng minh được khả năng về tài chính như pháp luật của một số nước.

 
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, thời gian qua, một số lượng khá lớn người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh với mục đích du lịch sau đó tìm cách ở lại Việt Nam gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự, an toàn xã hội. Để hạn chế tình trạng đó, dự thảo Luật đã quy định không cho phép nhập cảnh nếu không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17.
 
Đó là các trường hợp người nước ngoài có quan hệ công tác với cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài và vợ, chồng, con của họ hoặc người có công hàm bảo lãnh của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài đặt tại nước sở tại có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam khảo sát thị trường, du lịch, thăm thân, chữa bệnh thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực có giá trị không quá 30 ngày và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Sau khi cấp thị thực phải thông báo cho Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh biết..
 
Về vấn đề chứng minh tài chính, để tránh gây phiền hà cho người nước ngoài, UBTVQH đã bổ sung quy định gắn trách nhiệm bảo lãnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời và phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp phát sinh liên quan đến người mà mình đã mời, bảo lãnh tại điểm c khoản 2 Điều 46 dự thảo Luật.
 
Ngoài ra, có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định về điều kiện cấp thị thực phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam mời, bảo lãnh để không gây khó khăn khi nước ta tham gia cơ chế thị thực chung (ACMECS), nhất là khi hình thành cộng đồng ASEAN (năm 2015).
 
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, về cơ chế thị thực chung, khi Việt Nam ký kết tham gia, nếu điều ước quốc tế này quy định miễn thị thực cho công dân các nước thành viên thì việc triển khai thực hiện không có gì khó khăn, vướng mắc, vì tại  khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định “việc miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, quy định trên đảm bảo tính chủ động khi Việt Nam tham gia cơ chế thị thực chung, đồng thời việc tham gia cơ chế thị thực chung phải tuân thủ quy định của điều ước quốc tế đã được ký kết. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
 
Có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp người bảo vệ nền hòa bình mà bị bức hại nếu có yêu cầu thì được nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam, vì Hiến pháp đã quy định vấn đề này.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, hiện nay nước ta chưa tham gia công ước về người tị nạn và đây là vấn đề mới, cần tiếp tục được nghiên cứu, vì vậy, xin đề nghị Quốc hội chưa bổ sung quy định này vào trong dự thảo Luật.

Trong khi đó, UBTVQH cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chưa cho nhập cảnh vì lý do quốc phòng. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại khoản 2 Điều 22 dự thảo Luật.

Người nước ngoài không được cư trú tại khu vực biên giới

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, quá trình góp ý xây dựng Luật, một số ý kiến ĐBQH đề nghị quy định cụ thể việc cư trú của người nước ngoài tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung một điều quy định về tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới (Điều 35), đồng thời để thống nhất với quy định của Luật biên giới quốc gia, dự thảo Luật quy định người nước ngoài không được cư trú tại khu vực biên giới.

Đối với thị trấn, thị xã, thành phố, khu du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế khác được mở ra có liên quan đến khu vực biên giới thì người nước ngoài được tạm trú tại cơ sở lưu trú quy định tại Điều 33 và thực hiện việc khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 34 dự thảo Luật.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc