(VnMedia) - Người đóng bảo hiểm y tế trên 5 năm và người nghèo, người có công... sẽ có nhiều quyền lợi hơn, người tự tử, người tự gây tai nạn giao thông cũng sẽ được thanh toán bảo hiểm, nhưng bệnh nhân tự vượt tuyến chỉ được thanh toán mức thấp hơn so với Luật hiện hành…
Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp sắp diễn ra ngay trong tháng 5 này đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế đã giải đáp một số thắc mắc của Dự thảo luật này trong chương trình Người dân và Chính phủ.
Bảo vệ người dân trước rủi ro tài chính
- Xin bà cho biết đâu là điểm mới, đột phá trong Dự thảo lần này?
Sau 3 năm triển khai, Quỹ bảo hiểm Y tế đã đảm bảo cân đối thu chi và có kết dư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải giải quyết những vấn đề như làm thế nào để mở rộng 30% người dân còn lại phải tham gia bảo hiểm y tế, giải quyết sự lựa chọn ngược, tức là chỉ có người ốm mới tham gia bảo hiểm y tế; giải quyết tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế hay những vấn đề liên quan đến đòi hỏi của người dân như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
Việc sửa đổi bổ sung luật lần này phải bám sát được những quan điểm của Hiến pháp 2013 mà Quốc hội vừa thông qua, bám sát Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và cũng phải có những quy định hết sức đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành.
Theo Dự thảo luật, bên cạnh hình thức tham gia bảo hiểm cá nhân, một số nhóm đối tượng sẽ chuyển dần sang hình thức tham gia theo hộ gia đình. Dự thảo Luật quy định sẽ giảm dần mức đóng khi 100% thành viên trong hộ gia đình tham gia.
Đồng thời, Dự thảo luật lần này quy định gói dịch vụ y tế mà quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm Y tế. Dự thảo cũng quy định mở rộng quyền lợi và nâng mức hưởng bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng như người nghèo, cận nghèo và người có công.
Liên quan đến cơ chế tài chính, cũng có những thay đổi theo hướng quan tâm đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế như: quy định cụ thể hơn những trường hợp người dân tham gia bảo hiểm y tế có thời gian trên 5 năm và số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 7 triệu) thì lúc đó quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả 100%. Như vậy, sẽ bảo vệ được người dân trước những rủi ro về tài chính khi gặp phải những chi phí quá lớn.
Dự thảo luật lần này cũng quy định những trách nhiệm các bên liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
Một vấn đề hết sức quan trọng là lần này, Luật quy định phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, làm thế nào để sử dụng có hiệu quả, đảm bảo nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Luật cũng quy định cụ thể hơn, trong trường hợp quỹ kết dư thì xử lý như thế nào, trong trường hợp các tỉnh có bội chi thì xử lý ra sao.
- Một điểm mới khác trong Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế là Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất giá dịch vụ y tế giữa các hạng bệnh viện trên toàn quốc. Lợi ích của việc này là gì, thưa bà?
Hiện nay đang có một tình trạng là cùng một dịch vụ như nhau nhưng có những mức giá khác nhau, thậm chí các bệnh viện trong cùng một địa bàn nhưng cũng có giá dịch vụ khác nhau. Chính vì vậy, Dự thảo luật dự kiến giao cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ thống nhất tại các bệnh viện cùng hạng.
Điều này trước hết sẽ giúp tránh tình trạng cùng một dịch vụ nhưng do nhiều cơ quan, nhiều đơn vị phê duyệt với nhiều mức giá khác nhau, phê duyệt ở những thời điểm khác nhau, khiến ngay cả các bệnh viện trên cùng một địa bàn cũng có mức giá khác nhau.
Quy định như vậy cũng đảm bảo cho người dân trong việc thụ hưởng, bởi hiện mức đóng của người dân đang như nhau thì phải được hưởng mức giá như nhau. Ngoài ra, việc này cũng tạo điều kiện cho các bệnh viện ở các địa bàn khó khăn được nâng cấp, góp phần giảm tải bệnh viện.
Nhiều điểm mới được quy định tại Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế đang được dư luận quan tâm |
Tự vượt tuyến được chi trả thấp hơn Luật hiện hành
- Nhiều người khi được hỏi cho biết không hài lòng với việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hay việc đăng ký chuyển tuyến. Dự thảo khắc phục điều này như thế nào, thưa bà?
Đúng là hiện nay người dân còn nhiều ý kiến phàn nàn về việc quy định nơi đăng ký khám ban đầu và việc chuyển tuyến. Dự thảo lần này đã quy định rất rõ, người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu từ tuyến huyện, tuyến xã và tương đương. Khi đi khám chữa bệnh đúng quy định, người dân thì sẽ được hưởng các quyền lợi đúng quy định.
Việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đang quy định theo hướng làm cho người dân phải tuân thủ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu). Việc tuân thủ tuyến là hết sức quan trọng, giúp sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lực ở các tuyến, sàng lọc bệnh nhân (nhẹ ở tuyến dưới, nặng mới gửi lên tuyến trên), điều này giúp giảm bớt chi phí hành chính cho người dân.
Dự thảo Luật cũng đang quy định 2 điểm quan trọng, thứ nhất vẫn yêu cầu người dân phải tuân thủ tuyến khám chữa bệnh. Nếu không tuân thủ tuyến thì sẽ có những quy định liên quan đến mức thanh toán. Ví dụ nếu không đi đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc tự vượt tuyến thì khi đó qũy chỉ thanh toán theo các mức thấp hơn so với hiện nay đang quy định, tức là người bệnh sẽ phải đồng chi trả cao hơn.
Dự thảo Luật cũng quy định, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tại trạm y tế xã thì được quyền khám chữa bệnh ở các bệnh viện trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, nếu họ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở huyện thì vẫn được khám chữa bệnh tại các xã trong huyện đó.
Tự gây tai nạn giao thông vẫn được thanh toán
- Trong Dự thảo Luật cũng quy định mở rộng phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế đối với các trường hợp tự tử, tự gây thương tích hay tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, kể cả những đối tượng nghiện hút. Có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm này, nhưng có nhiều ý kiến khác lại cho rằng việc này gây nên cực đoan trong xã hội. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Đứng ở góc độ của nghành y tế thì đây là nghành nhân đạo, cứu người, do vậy các cơ sở y tế cũng phải có trách nhiệm khám, chữa bệnh để cứu sinh mạng những người như: tự tử, tai nạn giao thông… nhất là những trường hợp nặng.
Mục đích của chúng ta là cứu người bệnh thì chúng ta phải đạt mục tiêu cần cứu chữa người bệnh, không nên dùng chính sách bảo hiểm y tế để coi như hình phạt khi họ vi phạm pháp luật. Còn nếu họ sai, đã có các văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Chúng tôi nghĩ rằng, 2 vấn đề này hoàn toàn khác nhau, nếu chúng ta quy định như vậy thì sẽ bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế và họ sẽ tin tưởng hơn vào chính sách của nhà nước.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.
Ý kiến bạn đọc