(VnMedia) - Việc khắc phục vỡ quỹ bảo hiểm đang được “đổ lên đầu người lao động”; cuộc sống phát triển, xã hội văn minh nhưng dự thảo luật BHXH lại kém đi; việc lo vỡ quỹ bảo hiểm là vô lý… là ý kiến của nhiều đai biểu.
Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội |
Sáng nay (29/5), các đại biểu Quốc hội đã có tiến hành thảo luận tại tổ về các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.
Sợ vỡ quỹ là vô lý?
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Hưng vào thẳng vấn đề: “Lo vỡ quỹ nhưng kết dư thừa hàng nghìn tỷ đem đi đầu tư tài chính bị thiệt hại trách nhiệm thuộc về ai?”. Trong khi đó, đại biểu Trần Thanh Hải thì yêu cầu, cần nghiên cứu bổ sung thêm quyền của người lao động là biết kết quả đóng bảo hiểm bất cứ lúc nào, bên sử dụng lao động đóng được bao lâu. Theo đại biểu này thì có thể thông qua tổ chức công đoàn để rõ kết quả này.
Đại biểu Trần Thanh Hải cũng không bằng lòng với dự thảo bởi giải pháp khắc phục vỡ quỹ bảo hiểm lại “đổ lên đầu người lao động” là không phù hợp. Đại biểu này đề nghị, các quy định về chế độ phục hồi sức khỏe của người lao động phải được thiết kế, quy định lại để người lao động được hưởng tốt hơn.
Thẳng thắn hơn, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nhận xét: “cuộc sống phát triển, xã hội văn minh, pháp luật tiến bộ hơn nhưng dự thảo luật BHXH lại thấy kém đi.”
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho biết “không tin vào dự báo việc năm 2034 vỡ quỹ” bởi theo đại biểu, vỡ quỹ hay không là do quản lý chứ không phải do người đóng, không phải lo người hưởng nhiều là vỡ quỹ.
Đại biểu Ánh cho rằng, chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm là quá lớn và lấy lý do lo vỡ quỹ để sửa luật, nâng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp. Ngoài ra, đại biểu Ánh đánh giá, dự thảo luật đã không khắc phục được tình trạng nợ đọng bảo hiểm.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Ngọc Bình cũng cho rằng, sửa luật là cần thiết để phù hợp với Hiến pháp và các luật khác, tuy nhiên quan điểm sửa đổi phải có đồng thuận, có sự tiến bộ đi lên và do vậy, chính sách giảm xuống trong điều kiện xã hội văn minh hơn là không phù hợp.
Đại biểu Bình cũng cho rằng, việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội đối với loại lao động hợp đồng làm việc 3 tháng là không hợp lý.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, đại biểu Ngô Ngọc Bình cũng nhận định, việc lo vỡ quỹ bảo hiểm là vô lý, trong khi nợ chưa thu được là rất lớn và chi phí cho người làm bảo hiểm cũng rất lớn.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng phân tích thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội với các trường hợp lao động dưới 3 tháng là rất khó và không khả thi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bởi đây là thời gian người lao động thử việc, doanh nghiệp chưa chính thức ký hợp đồng lao động.
Đóng góp ý kiến cho việc quy định về tuổi nghỉ hưu, đại biểu Lê Trọng Sang thẳng thắn đề nghị không nên nâng tuổi nghỉ hưu.
“Tại sao không tận dụng lực lượng lao động đang làm việc, cả nước 16 triệu người đang làm việc nhưng mới thu bảo hiểm của 10,8 triệu người, còn khoảng 5 triệu người chưa đóng bảo hiểm?” Đại biểu Lê Trọng Sang nói. Ông cũng băn khoăn về việc quỹ BHXH đầu tư ra ngoài ngành và vì vậy, cần phải có quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đặt ra một vấn đề hết sức đáng lưu ý, đó là bảo hiểm cho nông dân. “Đọc đi đọc lại tôi vẫn thấy chủ yếu tập trung vào viên chức, công chức, trong khi đó đất nước là nông dân. Vậy nông dân chế định bảo hiểm là như thế nào?” – đại biểu Phong Lan đặt câu hỏi.
Đại biểu Phong Lan cũng cho rằng, phải tính đến công bằng trong xã hội khi có người lương hưu cao gấp 3-4 lần người đang đi làm.
“Ngay lương bâu giờ đang đi làm còn không đủ sống chứ đừng nói gì là lương hưu, vậy mà cứ nói lương hưu đủ sống. Tôi đi đâu ai cũng hỏi việc tăng tuổi. Nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề nếu cứ tăng như vậy. Người xù nợ chúng ta chẳng có giải pháp gì cả, trong khi cứ bàn 3% chi phí hoạt động cho bảo hiểm cao hay thấp.” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng, việc đánh giá hiện nay thời gian đóng bảo hiểm ít, thời gian hưởng bảo hiểm lại dài là không có cơ sở. Đại biểu phân tích: Tuổi bình quân đi làm là 25 tuổi và tuổi bình quân nghỉ hưu là 55 tuổi. Như vậy số năm đóng bảo hiểm là 30 năm. Với tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 70 tuổi thì sẽ không có nhiều người hưởng được 30 năm.
Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng khẳng định, cần hoàn chỉnh và sửa đổi lại bởi "viết thế này là không ổn.”.
“Làm sao phải khắc phục được nợ BHXH. Chỉ có ở Việt Nam, khi nợ thuế xảy ra nhưng cán bộ thuế và doanh nghiệp cứ du di với nhau, BHXH xâm hại quyền lợi người lao động. nhưng có tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì lại bình thường hóa. Như tình trạng xe quá tải gây hỏng đường, khi áp luật quá tải thì giờ kêu khó khăn quá. Hay như việc xây nhà trái phép cũng vậy. Phải ghi điều cấm để rút thẻ đỏ báo động, tách chuyện đầu tư để bảo toàn vốn.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích.
Theo đại biểu Nghĩa, cần phân ra lợi ích tầng lớp được hưởng BHXH, cần rõ ràng, hợp lý về lợi ích. “Chúng ta muốn tương lai bảo đảm, nhưng lao động thấp cổ bé họng, thì luật phải đảm bảo cho họ, nếu không họ thiệt thòi, trong khi đóng góp rất nhiều. Phải bảo vệ người thế yếu, số đông. Phải khắc phục lợi ích nhóm, người làm BHXH là sử dụng tiền của người khác, không thể có ưu ái đặc quyền trích bao nhiêu phần trăm.” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn.
Đại biểu Phạm Trường Dân không đồng ý với việc tăng chi phí cho hoạt động quản lý. Theo đại biểu Dân, hiện tại bộ máy BHXH đã ổn định, nhà cửa, trụ sở cũng đã có nên không có lý do gì lại tăng chi phí lên.
Về cách tính lương hưu, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật vẫn để chung người lao động trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng khác là không hợp lý, có thể làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng lớn tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu. Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần tách đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thành một chương riêng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc