(VnMedia) - Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thất thủ, một số người trong chính giới Pháp và phương Tây đã tung ra luận điệu cho rằng: Sở dĩ Việt Nam thắng là nhờ có viện trợ nhiều vũ khí và lương thực… Nhưng sự thật, điều gì giúp Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ?
VnMedia xin trích giới thiệu một phần trong tham luận của GS. TS Phạm Xuân Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại Hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 5/5/2014 tại Hà Nội để làm rõ hơn tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự hy sinh anh dũng và đóng góp to lớn của các lực lượng vũ trang, lực lượng dân công và nhân dân cả nước trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
… Dưới khẩu hiệu “Tất cả cho tiến tuyến! Tất cả để chiến thắng!”, trên các tuyến đường dài 400 - 500 cây số, hàng mấy chục vạn dân công, thanh niên xung phong với khí thế cải cách ruộng đất mang lại đã bất chấp mưa bom bão đạn của địch, ngày đêm bằng xe đạp thồ, xe trâu, ngựa thồ, bè mảng… chuyên chở lương thực, đạn dược ra tiền tuyến, liên tục bảo đảm hậu cần cho bộ đội ta trong suốt chiến dịch. Đây là một bất ngờ lớn đối với Bộ Tham mưu quân đội Pháp, vì chúng từng tính toán và cho rằng vấn đề hậu cần ở Điện Biên Phủ là vấn đề ta không thể nào giải quyết được.
Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thất thủ, một số người trong chính giới Pháp và phương Tây còn cho rằng: Sở dĩ Việt Nam thắng là nhờ có Trung Quốc viện trợ nhiều vũ khí và lương thực (!?). Thật ra, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã giúp ta 24 khẩu pháo và 3.600 viên đạn pháo 105 ly, chiếm 18% tổng số đạn; giúp ta 1.700 tấn lương thực, chiếm 10,8% tổng số lương thực phải dùng .
Về vấn đề này, nhà báo Jules Roy đã viết: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương” .
Sự thay đổi cách đánh còn đặt ra yêu cầu, đồng thời tạo thêm thời gian (khoảng 1 tháng rưỡi) để bộ đội ta phát huy tinh thần lao động dũng cảm và trí thông minh sáng tạo trong việc chuẩn bị lại trận địa bao vây và tiến công sao cho vừa bảo đảm đánh thắng quân thù vừa hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất xương máu của ta.
Chính trong thời gian này, chỉ với công cụ thủ công là chủ yếu, các chiến sĩ ta đã đào hàng trăm cây số giao thông hào, hàng ngàn công sự cho người và hỏa lực, cùng các hầm ngủ, hầm cứu thương, hầm đạn…, tạo thuận lợi cho việc di chuyển lực lượng, chiến đấu liên tục ngày đêm trong điều kiện không quân và pháo binh địch đánh phá cực kỳ ác liệt. Càng về sau, hệ thống giao thông hào của ta càng lấn sâu vào khu trung tâm Mường Thanh, rồi xuyên qua cả sân bay, khiến cho việc tiếp tế bằng cầu hàng không của địch ngày càng bị hạn chế, rồi đi đến chỗ bị cắt đứt hoàn toàn. Ngoài trận địa bộ binh, bộ đội ta còn xây dựng trận địa vững chắc có hầm ẩn nấp cho pháo binh trên các sườn núi, kết hợp với nhiều trận địa giả để đánh lừa đối phương, đồng thời xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch, Sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn trong lòng đất, bảo đảm việc chỉ huy không gián đoạn.
Ngay trong những ngày kéo pháo vào trận địa mới và sau đó trong suốt 55 ngày đêm chiến đấu, đã có biết bao tấm gương hy sinh xả thân vì Tổ quốc, mãi mãi tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, anh hùng của quân đội ta. Tô Vĩnh Diện không chút do dự hy sinh tính mệnh để bảo vệ pháo. Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội lao lên tiêu diệt lô cốt địch. Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Có những chiến sĩ công binh vật lộn với bom chờ nổ. Có những chiến sĩ quân y, vận tải lăn mình trong khói lửa để chuyển đạn, tải thương... Và còn biết bao anh hùng vô danh, từng thầm lặng vượt qua mọi gian khổ khó khăn, lập nên những chiến công rực rỡ, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.
Trở lại mấy diễn biến chính của quá trình đọ trí, đọ tài, đọ mưu giữa ta và địch: Do ta nghi binh giỏi, nên sau một thời gian chờ đợi không thấy ta hành động, Navarre cho rằng: “Ngọn trào tiến công của Việt Minh đã lắng xuống” . Ngày 12/3/1954, Navarre còn cho một bộ phận lực lượng cơ động mở cuộc hành quân vào vùng tự do Liên khu 5. Ngay hôm sau, vào đúng 17 giờ ngày 13 tháng 3, trọng pháo ta cấp tập dội lửa đạn xuống đồi Him Lam, mở màn cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Quân địch hoàn toàn bị bất ngờ.
Đặc biệt, “ta đã dành cho kẻ địch một bất ngờ lớn nhất là không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ địch náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố. Ta quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta, vào thời điểm, địa điểm do ta lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh, đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho đến lúc tập đoàn cứ điểm nghẹt thở”.
Chiều 7/5/1954, trước cuộc tổng tiến công của quân ta từ các hướng, hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh lũ lượt kéo nhau ra hàng. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Quân và dân ta giành được toàn thắng.
Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông |
3 nhân tố quan trọng
Qua những điều đã trình bày ở trên, chúng ta đều thấy rõ: Có nhiều nhân tố bắt nguồn từ sức mạnh văn hóa Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Dưới đây, chỉ xin nêu một số nhân tố chủ yếu:
- Nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ là đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân và toàn diện chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ giúp sức. Đường lối ấy vừa phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta, vừa vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh cách mạng vào thực tiễn cụ thể của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam – một dân tộc đang nhất tề đứng lên đấu tranh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Rõ ràng đây là đường lối dựa trên một nền tàng văn hóa rất cao – “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” , như Bác Hồ đã nói.
- Nhân tố có ý nghĩa quyết định thứ hai của chiến thắng Điện Biên Phủ đó là sự vận dụng tài tình, thông minh, sáng tạo khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.
Binh thư kim, cổ, đông, tây đều đề cao nguyên tắc tập trung lực lượng và nguyên tắc về quyền chủ động. Vì thế, kế hoạch quân sự của Nava cũng có phần dựa trên những nguyên tắc ấy. Thế nhưng với tư duy của một nhà quân sự tư sản, Nava quên rằng việc phân tán lực lượng để chiếm đóng đất đai là điều không thể tránh được đối với đội quân viễn chinh Pháp. Trong khi đó, nhờ nắm vững quy luật chiến tranh, “Bộ Thống soái tối cao Việt Nam bằng một sự điều động binh lực năng động, mưu trí đã buộc quân Pháp phải đánh theo ý định của ta, phải xòe “nắm đấm chủ lực” ra nhiều hướng” . Chính trong xu thế ấy, chúng ta đã sớm có nhận định: Do địch bị động điều các binh đoàn tinh nhuệ của chúng lên miền rừng núi Tây Bắc và cho xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh ở Điện Biên Phủ nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta thì đây lại là một cơ hội tốt để quân ta tiêu diệt chúng.
Để thực hiện nhiệm vụ ấy, lúc đầu phương án “đánh nhanh thắng nhanh” đã được phổ biến. Nhưng khi nhận thấy tình hình thay đổi, chúng ta đã kịp thời thay đổi phương pháp tác chiến từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Thực tế đã chứng minh sự thay đổi đó là hoàn toàn đúng đắn.
Phân tích về điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Một quyết định tác chiến chính xác [quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ – TG] là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và về địch” . Còn “khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy”.
Như vậy, xét về tài thao lược, chiến thắng Điện Biên Phủ chính là thắng lợi của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam – bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
- Nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp của chiến thắng Điện Biên Phủ là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Điều đó được thể hiện rõ nhất trong biết bao tấm gương sáng chói của quân và dân ta – những người luôn nêu cao tinh thần không cam chịu làm nô lệ, quyết chiến quyết thắng, đoàn kết rộng rãi, lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ, đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng lên trên hết, sẵn sàng hy sinh xả thân cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Như vậy, có thể khẳng định: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta với rất nhiều biểu hiện cụ thể, phong phú trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị ấy được nâng lên một tầm cao mới, tạo thành sức mạnh phi thường để đánh bại kẻ thù vào lúc chúng có những cố gắng chiến tranh cao nhất.
Tóm lại, từ cái nhìn tổng quát về ba nhân tố chủ yếu vừa nêu, ta có thể đi đến nhận định: Xét trên cả tầm cao ý nghĩa và chiều sâu bản chất của nó, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” chứng minh cho sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc